CV được ví như giấy thông hành dẫn đến công việc mơ ước và sự nghiệp tương lai của bạn. Đó là lý do tại sao bạn nên dành thời gian để làm cho CV của mình trở nên hoàn hảo nhất có thể. Để thực sự nổi bật giữa hàng chục thậm chí hàng trăm hồ sơ mà nhà tuyển dụng lướt qua để lựa chọn ứng viên phù hợp, bạn phải có một CV chuyên nghiệp.
Hãy cùng tìm hiểu cách tạo CV xin việc đơn giản nhưng tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!
Đầy đủ thông tin cần thiết
CV giống một bản tường trình ngắn gọn về trình độ học vấn, bằng cấp và công việc trước đây của ứng viên. Đó là một hình thức tiếp thị cá nhân, vì vậy hãy đảm bảo rằng khi bạn viết CV của mình, điều đầu tiên là phải đầy đủ các thông tin cơ bản. Theo đó, ngoài thông tin liên hệ thì nội dung quan trọng không thể thiếu ở mỗi CV chuyên nghiệp bao gồm:
Trình độ chuyên môn: Bạn tốt nghiệp ngành nào, có bằng cao đẳng, cử nhân, đại học hay sau đại học…? Những thông tin này là cần thiết để chứng minh rằng bạn có trình độ học vấn phù hợp với công việc. Ngoài các bằng cấp nói trên, bạn có thể cung cấp thêm các chứng chỉ nghiệp vụ ngắn hạn, các chứng chỉ ngoại ngữ… có liên quan đến vị trí công việc ứng tuyển.
Kinh nghiệm làm việc: Nhà tuyển dụng thường quan tâm đến nơi bạn từng làm việc trong quá khứ và năng lực của bạn, qua đó họ sẽ đánh giá được bạn có phù hợp với công việc hiện tại hay không. Vì vậy hãy liệt kê các công ty hoặc tổ chức bạn đã từng làm việc, nêu rõ chức danh của công việc, thời gian làm việc ở đó, nhiệm vụ, kinh nghiệm và thành tích của bạn. Hãy nhớ, các thông tin này không được vượt quá bốn gạch đầu dòng. Và hãy đảm bảo rằng, các nhiệm vụ cũng như thành tích của bạn trong quá khứ phù hợp với vị trí công việc mới. Nếu không, bạn không cần thiết phải đưa thông tin đó vào CV để tránh lan man, dài dòng. Các kỹ năng nổi bật: Hãy xem bản mô tả công việc một cách kỹ lưỡng và nêu bật các kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Chẳng hạn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng lãnh đạo… Để thể hiện kỹ năng giao tiếp trong CV của mình, bạn có thể viết theo cách sau: “Có khả năng giao tiếp tốt, được phát triển qua quá trình đảm nhiệm các công việc như telesales, bán hàng, tham gia nhóm câu lạc bộ, dự án…”
Nếu bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc thì mục này sẽ là yếu tố quyết định nhà tuyển dụng có liên lạc lại với bạn để phỏng vấn không. Bạn nên liệt kê khoảng 5 kỹ năng nổi trội nhất và liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển. Hãy nêu đúng các kỹ năng bạn có thay vì phóng đại.
Danh hiệu và giải thưởng: Nếu đạt được bất kỳ giải thưởng hay danh hiệu liên quan đến lĩnh vực công việc ứng tuyển, bạn đừng quên đưa vào CV. Bắt đầu bằng tên của giải thưởng, tiếp đến là ngày nhận được, sau đó là tên của tổ chức đã trao giải thưởng. Hãy nhớ, đừng cung cấp thêm chi tiết về cách thức và lý do bạn được trao giải thưởng, điều này là không cần thiết. Tên của giải thưởng là đủ và nếu nhà tuyển dụng muốn biết thêm chi tiết, họ có thể hỏi trong buổi phỏng vấn.
Người liên hệ: Những nhà tuyển dụng kỹ tính và chuyên nghiệp thường quan tâm đến mục người liên hệ, để tham khảo những thông tin về ứng viên. Đây sẽ là cách để họ xác định lại những gì bạn cung cấp trong CV. Từ người liên hệ họ có thể biết được công việc bạn làm trước đây có tốt không, những điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
Chọn người liên hệ để đưa vào CV, vì thế, cũng là một việc quan trọng. Thông thường, người liên hệ sẽ là sếp hay đồng nghiệp của bạn ở các công ty cũ. Vậy, nếu bạn là sinh viên mới ra trường chưa từng đi làm thì sao? Trường hợp này bạn có thể giới thiệu giáo viên chủ nhiệm hoặc người hướng dẫn bạn khi bạn đi thực tập.
Hãy nhớ, để lựa chọn người liên hệ đưa vào CV, bạn cần chú ý tìm người có uy tín nhất định trong nghề, có quan hệ tốt với bạn và hiểu rõ bạn trong lĩnh vực công việc.
Định dạng bắt mắt
Điều này có vẻ không quan trọng lắm, nhưng nó thực sự tạo được ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Các nhà tuyển dụng sẽ khó chịu với những CV mà ứng viên không biết sử dụng phông chữ đúng cách. Vì vậy, bạn hãy lưu ý dùng một phông chữ đơn giản, trông chuyên nghiệp và dễ đọc. Nếu có thể, bạn hãy theo dõi trang web của công ty để tìm phông chữ và màu sắc độc đáo của riêng họ, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng rằng bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng về công ty và bạn đã sẵn sàng để nhận việc.
Trình bày nội dung ngắn gọn
Để tìm được những ứng viên phù hợp, các nhà tuyển dụng thường phải đọc hàng chục, thậm chí hàng trăm CV. Do đó, họ sẽ muốn xem những văn bản ngắn gọn, dễ đọc.
Hãy sử dụng dấu gạch đầu dòng để tách các đoạn văn bản và đảm bảo rằng bạn truyền tải thông điệp của mình một cách cô đọng. Và đừng quên, kiểm tra lỗi chính tả kỹ càng.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để CV của mình có quá nhiều khoảng trắng. Điều này sẽ tạo ấn tượng tiêu cực đối với nhà tuyển dụng, vì nó thể hiện sự kém chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng định dạng và trình bày văn bản.
Đừng sáo rỗng
Nhiều người quá lạm dụng các từ ngữ to tát hoặc sáo rỗng khiến CV của họ bị bỏ qua ngay từ đầu, thay vì được xem xét kỹ.
Bởi vì khi lướt đọc các CV, các nhà tuyển dụng đã bắt gặp những cụm từ này nhiều lần, chẳng hạn: “Làm việc chăm chỉ”, “có kỹ năng giao tiếp tốt”, “nhiệt tình”, “sáng tạo”… Chúng tạo ra cảm giác nhàm chán, không chân thực.
Dĩ nhiên, bạn nên đề cập đến các kỹ năng cũng như ưu điểm của bản thân trong công việc, tuy nhiên đừng chỉ liệt kê bằng những từ ngữ sáo rỗng. Thay vào đó, hãy đính kèm các số liệu thống kê hoặc dẫn chứng thuyết phục. Điều này sẽ giúp CV chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]