Trả lời CÓ hoặc KHÔNG hoặc chỉ trả lời 1 câu duy nhất
Một câu trả lời ngắn gọn đến mức tối giản chỉ với "CÓ", hoặc "KHÔNG" mà không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào không chỉ làm nhà tuyển dụng ở các công ty đang tuyển dụng tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… hụt hẫng mà còn khiến họ không muốn tiếp tục tìm hiểu về bạn.
Khi đưa ra câu hỏi, họ muốn lắng nghe bạn chia sẻ nhiều hơn thay vì nhận một câu trả lời quá đơn giản. Họ mong đợi những phân tích hoặc một ví dụ cụ thể để đánh giá kỹ năng, tư duy và khả năng giao tiếp của bạn. Vì lẽ đó, trả lời các câu hỏi một cách chi tiết, sâu sát sẽ giúp bạn thể hiện sự chủ động, thông minh, hiểu biết và cởi mở - những tố chất mà mọi nhà tuyển dụng đều đánh giá cao ở ứng viên.
Không tìm hiểu trước về vị trí ứng tuyển và không biết bản thân có những điểm nào phù hợp với vị trí đó
Trước khi bước vào buổi phỏng vấn, việc tìm hiểu kỹ càng về công ty và vị trí ứng tuyển là điều tối quan trọng. Tuy nhiên, nhiều ứng viên lại bỏ qua bước chuẩn bị này, dẫn đến không thể đưa ra đáp án thuyết phục để chứng minh rằng bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Khi bạn không thể hiện được sự am hiểu đối với công việc mình làm có nghĩa bạn đang chứng minh với nhà tuyển dụng rằng: “Tôi không thực sự quan tâm hoặc chưa sẵn sàng để cống hiến cho công ty của bạn”. Vậy nên, hãy dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể về vị trí ứng tuyển, từ đó xác định bản thân có những thế mạnh nào, phù hợp với yêu cầu công việc ra sao và chứng minh với nhà tuyển dụng bạn là một ứng viên thực sự tiềm năng.
Thái độ đổ lỗi, phàn nàn và kêu ca
Không ít ứng viên mắc lỗi thể hiện thái độ tiêu cực trong buổi phỏng vấn xin việc, đặc biệt là khi chia sẻ về những dự án thành công/thất bại trước đó: phàn nàn hay kêu ca về những vất vả, khó khăn từng trải qua, đổ lỗi cho sếp, đổ lỗi cho cộng sự thay vì nhìn nhận sai lầm của bản thân và rút kinh nghiệm cho những dự án sau. Hành động này khiến bạn âm điểm trong mắt nhà tuyển dụng bởi thái độ tiêu cực, không sẵn sàng đối diện với khó khăn.
Nhà tuyển dụng không tìm kiếm một ứng viên thích đổ lỗi, điều họ cần là một người có tinh thần tích cực, sẵn sàng chịu trách nhiệm, biết cách học hỏi từ sai lầm và biết cách sửa sai để đạt được kết quả tốt hơn. Vì vậy, thay vì thể hiện thái độ tiêu cực, hãy tập trung vào những điều bạn đã học được từ những trải nghiệm trước đây.
Nói những điều tiêu cực về công ty cũ
Khi được hỏi lý do nghỉ việc ở công ty cũ, nhiều ứng viên vội vàng nói xấu hoặc chia sẻ những điều tiêu cực về công ty. Đây là điều tối kỵ trong phỏng vấn vì không một nhà tuyển dụng nào mong muốn công ty mình trở thành đối tượng bị chỉ trích trong tương lai.
Thay vì tập trung vào những trải nghiệm không tốt, hãy chia sẻ những lý do chính đáng về định hướng phát triển của bản thân. Điều này không chỉ giúp bạn xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp mà còn thể hiện bạn là người có định hướng và mục tiêu rõ ràng trong sự nghiệp.
Nhận điện thoại hoặc trả lời tin nhắn khi đang phỏng vấn
Trong bất kỳ tình huống nào, việc nhận điện thoại hoặc trả lời tin nhắn trong buổi phỏng vấn là điều không nên làm. Đây là hành động thiếu tôn trọng, cho thấy bạn không thực sự nghiêm túc và trân trọng cơ hội trước mắt.
Trước khi bước vào buổi phỏng vấn, hãy chắc chắn bạn đã tắt điện thoại hoặc đặt chế độ im lặng để đôi bên không bị gián đoạn trong quá trình tìm hiểu lẫn nhau.
Trang phục, tóc tai, trang điểm không phù hợp
Mỗi ngành nghề, mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau về trang phục. Khi bạn ăn mặc quá phô trương hoặc quá xuề xòa, đến tham gia phỏng vấn với khuôn mặt trang điểm quá cầu kỳ hoặc quá nhợt nhạt, không phù hợp với văn hóa công ty, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn thiếu nghiêm túc và không hiểu rõ về công ty mình đang ứng tuyển.
Hãy lựa chọn trang phục phù hợp, lịch sự, tóc tai gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng, tác phong chuyên nghiệp để xây dựng diện mạo hoàn hảo và tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Thái độ tự phụ, nói năng ngạo mạn
Thái độ tự phụ, nói năng ngạo mạn là một trong những biểu hiện khiến bạn dễ bị loại ngay từ vòng phỏng vấn. Dù bạn có kỹ năng, có kinh nghiệm nhưng nếu bạn thể hiện sự tự tin thái quá đến mức tự phụ, chắc chắn bạn không phải một nhân sự dễ dàng hòa nhập trong môi trường mới và phối hợp tốt với những đồng nghiệp mới. Bạn biết đấy, một người tự phụ thường cho mình là cái rốn của vũ trụ, không biết lắng nghe và dễ làm mất lòng người khác.
Luôn giữ thái độ khiêm tốn, biết lắng nghe, có tinh thần cầu thị và tôn trọng quan điểm của người khác là điều bạn nên thể hiện trong suốt buổi phỏng vấn. Sự tự tin kết hợp với sự khiêm tốn sẽ mang đến một hình ảnh dễ mến và đáng tin cậy trong mắt người đối diện.
Thất bại trong phỏng vấn xin việc không phải điểm kết thúc mà là cơ hội để bạn rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong những lần phỏng vấn tiếp theo. Hãy tin rằng, sau mỗi lần vấp ngã, bạn đang tiến gần hơn đến công việc mơ ước của mình. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, tự tin và nỗ lực không ngừng, thành công chắc chắn sẽ đến với bạn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]