Nhận định của ông Dimon được đưa ra chỉ vài giờ sau khi NHTW Mỹ đưa ra quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25% - 5,50% vào ngày 1/11. Trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance từ sự kiện “Make Your Move Summit”, ông cho biết: “Tôi nghĩ Fed có thể sẽ tạm dừng và cân nhắc xem điều gì sẽ diễn ra. Tôi dự đoán họ vẫn chưa kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách.”
Về khả năng tăng lãi suất trong tương lai của Fed, ông Dimon dự đoán có thể là thêm 25, 50 đến 75 điểm cơ bản nữa. Ông không hoàn toàn chắc chắn nhưng cho rằng xác suất xảy ra sẽ cao hơn nhiều người khác ước tính.
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Tư, Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý III từ “vững chắc” vào hồi tháng 9 lên “mạnh”. Sự thay đổi này được đưa ra sau khi số liệu GDP quý III được công bố vào tuần trước, cho thấy mức tăng trưởng 4,9%, phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động chi tiêu mạnh mẽ.
“Sếp” JPMorgan nói rằng, Fed đã đúng khi tạm dừng tăng lãi suất song ông nghĩ rằng có khả năng lạm phát cao sẽ duy trì ở mức lâu hơn một chút so với dự đoán. Trong nhiều tháng, ông đã cảnh báo về khả năng lãi suất vẫn có thể tăng cao và điều này sẽ khiến ngành tài chính gặp nhiều rủi ro khi trước đó tận dụng môi trường lãi suất thấp.
Ngoài ra, ông Dimon cũng đặc biệt lo ngại về tác động của việc Fed thắt chặt định lượng, vốn đang làm tăng nguồn cung trái phiếu trong khi chính phủ các nước khác đang giảm tốc độ mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo ông, diễn biến này có thể gây áp lực lớn hơn nữa lên lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm.
Trong bối cảnh hiện đại, một ngân hàng lớn có vị thế vững chắc khi lãi suất tăng cao đó là JPMorgan. Từ đầu năm 2020, ngân hàng này đã báo hiệu rằng họ không chấp nhận rủi ro trước dòng tiền gửi tràn vào hệ thống ngân hàng trong thời gian những ngày đầu của đại dịch.
Một số đối thủ của JPMorgan đã sử dụng số tiền gửi đó để đầu tư các loại chứng khoán kỳ hạn dài, nhằm có được lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá trị của các khoản nắm giữ đó đã giảm xuống khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023.
Các khoản lỗ chưa thực hiện ngày một lớn là một phần nguyên nhân khiến Silicon Valley Bank sụp đổ hồi tháng 3. Về những trường hợp như thế này, ông Dimon lo ngại rằng một số ngân hàng đã không nỗ lực đủ để điều chỉnh bảng cân đối kế toán sau sự hỗn loạn đó.
JPMorgan lại được hưởng lợi từ sự kiện này. Hồi tháng 5, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã giành chiến thắng trong một cuộc đấu giá do chính phủ tổ chức để mua lại phần lớn hoạt động của ngân hàng First Republic. Nhờ đó, lợi nhuận của JPMorgan tăng lên trong quý III, vượt dự báo của Phố Wall với 13,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Dimon, nắm giữ cương vị CEO của JPMorgan vào năm 2005, hiện là “sếp” có thời gian lãnh đạo lâu nhất đối với một ngân hàng lớn của nước Mỹ. Ông cũng là người duy nhất có kỷ niệm sâu sắc về việc chèo lái công ty trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ngày 1/11, ông nói rằng, sau nhiều thập kỷ lãi suất thấp, thị trường có thể phải đối mặt với sự thay đổi lớn, tạo ra “hiệu ứng lạm phát dài hạn” - đó là ngân sách chính phủ sẽ có sự thâm hụt lớn. Ông nói: “Tôi không nhận thấy bất kỳ điều gì có thể ngăn chặn lạm phát trong tương lai.”
CEO của JPMorgan nói rằng, ngân hàng này đã sẵn sàng để vượt qua môi trường lãi suất cao trong thời gian dài hơn, dù “khá căng thẳng về điều đó nhưng vẫn sẵn lòng phục vụ khách hàng.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, khi lãi suất tăng cao thì chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.”
Tham khảo Yahoo Finance
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]