Theo trang Newsweek, những bình luận bằng hình thức trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng 8 năm ngoái có thể là một cách khác để chỉ trích phương Tây về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng mong muốn truất ngôi đồng đô la Mỹ của ông Putin chưa có dấu hiệu gì trở thành hiện thực vào lúc này.
Nga đã cam kết sẽ "phi đô la hóa" nền kinh tế của mình, loại bỏ tiền tệ từ các quốc gia "không thân thiện", nhưng một biểu đồ được nguồn tin tài chính Barchart đăng lên mạng xã hội X hôm 15/4 cho thấy sự thống trị của đồng bạc xanh vẫn được duy trì.
"Đô la Mỹ đã được sử dụng trong 48% giao dịch thanh toán quốc tế vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng BRICS...", Barchart nhận định bên cạnh biểu đồ cho thấy đồng euro chiếm 23,2% giao dịch, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tụt lại phía sau với mức 3,47%.
Jay Zagorsky - phó giáo sư về thị trường, chính sách công và luật tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston (Mỹ) - nói với Newsweek rằng: "Nhiều nước lớn như Nga và Trung Quốc cũng như các nước nhỏ như El Salvador đang nỗ lực tìm ra cách để phi đô la hóa thương mại quốc tế. Đây là lý do tại sao ông Putin đưa ra tuyên bố của mình."
Tổng thống Putin coi các quốc gia BRICS là chìa khóa cho tầm nhìn của ông nhằm xoay chuyển nền kinh tế thế giới khỏi phương Tây, đồng thời tự hào rằng các khoản đầu tư và giao dịch giữa các thành viên BRICS với nhau đã tăng gấp 6 lần.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm ngoái, ảnh hưởng của BRICS đang gia tăng, tăng từ mức chiếm 18% GDP toàn cầu năm 2010 lên 26% vào năm 2021. Với sáu quốc gia thành viên mới gia nhập vào đầu năm nay, khối này sẽ chiếm khoảng 29% GDP thế giới.
Ông Zagorsky nói: "Các nước BRICS muốn đồng tiền của họ được sử dụng trong thương mại thế giới, nhưng mỗi nước đều gặp phải một vấn đề lớn, ngăn cản các nhà giao dịch chấp nhận đồng tiền của họ."
"Trung Quốc có các biện pháp kiểm soát tiền tệ, nhằm hạn chế số tiền có thể ra vào nước này. Rất khó để một công ty Trung Quốc thuyết phục người ngoài chấp nhận tiền Trung Quốc nếu họ không thể rút tiền ra khỏi Trung Quốc", Zagorsky nói.
"Nga không chỉ kiểm soát tiền tệ mà còn chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, hạn chế tiền bằng đồng rúp chảy vào và ra khỏi nước này", Zagorsky nói.
Theo trang Newsweek, các thành viên BRICS đã bắt đầu thanh toán các giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng đô la Mỹ để giảm chi phí giao dịch và hạn chế khả năng tiếp xúc với biến động toàn cầu.
Ví dụ, vào tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ cho biết, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ - đơn vị lọc dầu hàng đầu của nước này - đã sử dụng đồng rupee để mua dầu.
Ấn Độ đã hưởng lợi từ vị thế quốc gia "thân thiện" với Nga, Nga đã tăng doanh số bán dầu cho Ấn Độ. Nhưng Bloomberg đưa tin vào tháng 9/2023 rằng, việc này đã gặp phải những trở ngại khác khi Moscow không thể tiếp cận tài sản bằng đồng rupee ở các ngân hàng Ấn Độ do những hạn chế của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.
Moscow cũng thông báo rằng họ sẽ hợp tác với các thành viên BRICS để phát triển một loại tiền dự trữ thay thế, và Tổng thống Putin cho biết tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của BRICS rằng, động thái như vậy đang "đạt được động lực".
Nhưng phó giáo sư Zagorsky tin rằng tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ sẽ không sớm suy giảm. Ông nói: "Đồng đô la có thể mất đi sự thống trị của mình nếu một quốc gia lớn khác trên thế giới quyết định loại bỏ mọi biện pháp kiểm soát vốn, chỉ có ý định hòa bình với các quốc gia khác và kiểm soát lạm phát."
"Tôi không thấy Nga từ bỏ cuộc chiến ở Ukraine hay Trung Quốc sẽ sớm có thái độ thoải mái hơn với việc tiền tệ rời khỏi đất nước họ. Nếu không có các quốc gia khác thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến đồng đô la Mỹ duy trì sự thống trị của mình trong thương mại thế giới", Zagorsky nhận định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]