Trau dồi kinh nghiệm cho bản thân
Trước khi tham gia phỏng vấn thực tế, bạn có thể trau dồi kinh nghiệm cho bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, bạn có thể học hỏi kinh nghiêm từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp cũ… đã từng tham gia phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm những buổi phỏng vấn đã được ghi hình lại trên Google, Youtube, Facebook…
Bạn hãy lắng nghe, xem xét kỹ lưỡng để nhận rõ những ưu điểm - khuyết điểm từ các cuộc phỏng vấn này. Từ đó, rút ra cho bản thân những bài học thiết thực, bổ ích và quý giá trong quá trình tìm việc làm nhanh.
Luyện tập đối đáp trôi chảy cho những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Mặc dù có rất nhiều câu hỏi khác nhau được đặt ra trong buổi phỏng vấn, thế nhưng hầu như buổi phỏng vấn nào cũng sẽ xuất hiện một số câu hỏi cơ bản, quen thuộc. Ví dụ như những loại câu hỏi về thế mạnh, nhược điểm hay sở thích của bạn… Bạn có thể chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi này và tập đối đáp thành thục, trôi chảy. Sự chuẩn bị ấy sẽ giúp bạn thoải mái, tự tin hơn, từ đó kết quả phỏng vấn cũng khả quan hơn.
Bạn có thể tham khảo những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn trong sách báo hoặc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một chút, khi đưa ra câu trả lời, bạn đừng quá phóng đại hoặc phô trương, cứ thành thật chia sẻ đúng với thực lực, khả năng hiện tại của mình. Nếu cảm thấy bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, trong câu trả lời, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy tinh thần cầu tiến, luôn muốn được trau dồi, học hỏi của bạn.
Nhờ người thân, bạn bè đóng giả nhà tuyển dụng
Để việc diễn tập phỏng vấn việc làm diễn ra tự nhiên, suôn sẻ và hiệu quả, bạn nên nhờ người thân hoặc bạn bè đóng giả nhà tuyển dụng. Bạn có thể tạo ra một không gian phỏng vấn như thật với việc bàn làm việc, ghế ngồi, bảng trình bày ý tưởng và giấy bút… Đừng quên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để người thân, bạn bè có thể dễ dàng đặt ra cho bạn trong quá trình hỗ trợ diễn tập phỏng vấn.
Khi diễn tập cùng người thân, bạn bè, những người này sẽ dễ dàng nhìn thấy các ưu - khuyết điểm của bạn lúc trả lời phỏng vấn. Họ là những người dễ dàng nhận xét cho bạn mà không sợ mích lòng. Từ đó, họ sẽ đem đến những góp ý chính xác, giúp bạn phát huy thêm những ưu điểm sẵn có, đồng thời khắc phục những khuyết điểm của bản thân.
Ghi hình buổi diễn tập lại để rút kinh nghiệm
Bạn sẽ không biết bản thân trông như thế nào khi trả lời phỏng vấn. Việc ghi hình lại buổi diễn tập giúp bạn thấy rõ từng hành động, phản ứng của cơ thể, nghe rõ từng ngôn từ, âm điệu của bản thân. Từ đó, bạn sẽ có những điều chỉnh, khắc phục phù hợp đối với khuyết điểm của mình. Việc này cũng tương tự như đứng trước gương diễn tập phỏng vấn. Tuy nhiên, khi đứng trước gương, bạn có thể sẽ quá chú ý vào biểu cảm của mình mà quên đi câu trả lời cần thiết.
Hãy nhớ rằng để chinh phục được nhà tuyển dụng, bạn cần phải tham gia phỏng vấn bằng phong thái đĩnh đạc, nghiêm trang, chuyên nghiệp. Đồng thời ngôn từ được sử dụng trong câu trả lời cũng phải trong sáng, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.
Vận dụng các câu danh ngôn, trích dẫn phù hợp vào câu trả lời phỏng vấn
Bạn có thể chuẩn bị sẵn một số câu danh ngôn, trích dẫn phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Khi được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi về quan điểm cá nhân, bạn có thể lồng ghép những câu danh ngôn, trích dẫn này vào câu trả lời. Sự xuất hiện của danh ngôn, trích dẫn giúp câu trả lời của bạn trở nên tinh tế và sâu sắc hơn. Chúng tạo hiệu ứng giúp bạn trở nên khác biệt, dễ dàng gây ấn tượng và ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ tránh lối nói văn vẻ quá nhiều để rồi tự mình biến thành “thánh nói đạo lý” trong mắt nhà tuyển dụng. Điều này sẽ gây phản tác dụng và bạn nên diễn tập nhiều lần ở nhà để tiết chế hơn trong buổi phỏng vấn việc làm thực sự.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]