Nguyễn Đình Tôn Nữ đang học lớp 12 chuyên Anh 1, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam |
“Trước khi quyết định, em muốn thăm quan Harvard, Williams và Swarthmore – 3 trường mà em được nhận”.
Nói về lý do vẫn còn băn khoăn giữa 3 ngôi trường này, Tôn Nữ nói: “Em nghiêng về Harvard khoảng 60%. Em không chắc lắm về lý do. Có thể vì Boston lạnh”.
Mặc dù đã bật khóc khi nhận được thư báo trúng tuyển của ĐH Harvard, song ngôi trường danh giá này không phải mục tiêu ban đầu của Nữ.
“Em muốn vào Johns Hopkins để học về Ngôn ngữ trong khoa Thần kinh học, và cũng để tham gia nghiên cứu về các chất kích thích của Johns Hopkins nữa. Ngoài Johns Hopkins, em còn khá kỳ vọng vào Princeton, vì em đã viết một bài luận về khía cạnh chính trị của các trào lưu trên Internet. Em muốn học Khoa học Chính trị và Chính sách ở Princeton, nhưng cuối cùng cả hai trường này em đều không đỗ”.
Trước khi nhận kết quả của Harvard, Tôn Nữ đã nhận kết quả đỗ Williams và Swarthmore, theo đánh giá của em đều là 2 trường “liberal art college” rất tốt.
“Em nộp đơn tất cả 16 trường, trong đó có các trường thuộc khối Ivy League khác, nhưng ngoài 2 trường này ra em trượt hết, kể cả những trường an toàn.
Sau một loạt trường báo trượt, lúc mở thông báo của Harvard ra và thấy dòng “Tôn Nữ thân mến, Chào mừng bạn đến với Đại học Harvard khoá 2021”, em đã khóc. Thực sự là một giây phút em sẽ không bao giờ quên”- nữ sinh chuyên Anh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam chia sẻ.
"Em đã bật khóc khi đọc thư của Harvard" - Tôn Nữ chia sẻ. |
Chia sẻ về quá trình nộp hồ sơ vào Harvard, Nữ nói em không hề có áp lực, mà ngược lại rất vui vẻ.
“Em thấy rằng em không phải một ứng viên “an toàn”. Hồ sơ của em không phải là hoàn hảo, và chắc hẳn hội đồng tuyển sinh cũng nhận ra điều này. Tuy nhiên, họ quyết định cho em không chỉ một, mà là hai cơ hội, để thể hiện bản thân qua vòng phỏng vấn”
“Lần đầu em phỏng vấn với một doanh nhân tốt nghiệp Harvard và hiện đang làm tại IDG Ventures Việt Nam. Lần thứ hai em phỏng vấn với cô đại diện tuyển sinh của khu vực. Em nghĩ rằng chính hai lần phỏng vấn này đã giúp em thể hiện được nhiều thứ mà trên giấy không thể thấy được, và chính điều này đã giúp hội đồng tuyển sinh đi đến quyết định nhận em”.
Tôn Nữ cho rằng, kết quả tốt đẹp ngày hôm nay của em là thành tựu không của riêng em, mà nhờ rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người bạn, người hướng dẫn và sự biết ơn đặc biệt dành cho bố mẹ.
“Bố em là nhà báo, mẹ em là kĩ sư. Cả hai người đều phấn đấu từ quê lên, vất vả để mưu sinh nhưng vẫn luôn đặt sự giáo dục của hai anh em em lên đầu. Triết lý nuôi con của bố mẹ em là việc học tập của con luôn luôn là điều quan trọng nhất, nhưng con cũng luôn cần phải có sự tự do để khám phá bản thân”.
“Em biết ơn bố mẹ vì đã trao cho em một môi trường có đầy đủ các yếu tố để em có thể phát triển có định hướng, nhưng không bị kìm kẹp. Bố mẹ em làm nên mọi điều khác biệt, và họ là người có vai trò quan trọng nhất trong mọi thành công của em, chứ không phải chỉ lần này” – Tôn Nữ chia sẻ.
Tôn Nữ mong muốn sẽ quay trở về đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam sau 4 năm du học.Giải thích về cái tên khá lạ “Tôn Nữ”, cô gái sinh năm 1999 nói: “Nguyễn Đình là họ, Tôn Nữ là cháu gái. Tên em nghĩa là người con gái của dòng họ Nguyễn Đình. Đây là nội dung bài luận Harvard của em. Em viết về việc bố em đặt tên em là Tôn Nữ, không phải vì nó là một cái tên lạ, mà là vì bố em muốn gửi gắm mong ước của mình, rằng em sẽ nối nghiệp của gia đình có nhiều đời là thầy giáo và người có học, để suốt cuộc đời em, mỗi lần tên em vang lên, em sẽ được nhắc nhở rằng bất kể em học được cái gì, đạt được cái gì, nó chỉ có ý nghĩa nếu em có thể phục vụ cộng đồng và đất nước mình”.
Nói về kinh nghiệm “săn” học bổng, Nữ cho rằng: “Trước khi “săn” học bổng hay làm bất kì cái gì, tất cả chúng ta nên bắt đầu việc tự tìm hiểu và khám phá bản thân trước. Không một thành tích hay hoạt động ngoại khoá nào có thể thay thế”.
Chọn ngành Nhân văn ở Harvard Collge, Nữ cho biết em muốn học Nhân văn vì muốn được hiểu thêm về nhân loại. Nếu chọn ngôi trường này, em rất háo hức được gặp Malia Obama – con gái cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người cũng nhập học Harvard vào năm học tới đây.
"Đính chính" về ý nghĩa của suất học bổng hiếm hoi sau khi được báo chí đưa tin và khen ngợi, Tôn Nữ nói: "Học bổng của em được cấp không phải vì em giỏi, mà vì gia đình không có điều kiện tài chính nên nhà trường hỗ trợ".
Sau khi nhận tin vui lớn từ Harvard, bố mẹ em dĩ nhiên là rất vui. “Nguyện vọng duy nhất còn lại của bố mẹ là em đi ngủ sớm và đàn mèo của em không tiểu tiện lung tung nữa” – cô gái cá tính chia sẻ.
Họ và tên: Nguyễn Đình Tôn Năm sinh: 1999 Quê quán: Hà Nội Trường trung học phổ thông: THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam Thành tích đã đạt được: giải Nhất Quốc gia Học sinh giỏi Tiếng Anh 2017 Các hoạt động cộng đồng, dự án đã tham gia: Ban Chấp Hành Đoàn trường năm học 2016 – 2017; Trường ban PR Ngày Hội Anh Tài 2016; Chủ tịch câu lạc bộ Ams Media; Chủ tịch Debate Club; Founder dự án Cộng Hưởng; Thành viên nhóm Onion Cellar; Tham gia Parliamentary Debate World Congress tại Nhật năm 2016 và 2017; Tham gia Trường Teen VTV7; |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]