Bắt buộc hay tự chọn?
Nói về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT đang gây tranh cãi, Phạm Bùi Bình An (lớp 9I1, trường Marie Cuire, Hà Nội) cho rằng, Lịch sử nên là môn bắt buộc.
Theo quan điểm của Bình An, “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Mỗi người cần có kiến thức nền vững môn học này, giúp yêu con người, yêu non sông, đất nước.
Bình An chỉ ra thực tế, Lịch sử hiện nay trở thành môn học “khó nhằn” với đa số học sinh, một phần do chương trình dạy, cách truyền đạt kiến thức của giáo viên. Nhưng điều đó không đồng nghĩa việc nên bỏ Lịch sử trong danh sách các môn bắt buộc. Nếu là môn tự chọn, sẽ có bao nhiêu người xung phong học Lịch sử? Con số này sẽ rất nhỏ.
Đồng tình với Bình An, Nguyễn Ngọc Diệu (học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) chia sẻ: Nên để môn Lịch sử giữ đúng vị trí của nó, là môn học bắt buộc.
Nguyễn Ngọc Diệu - học sinh lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội - ủng hộ Lịch sử là môn bắt buộc. Ảnh: Anh Tuấn.
“Người Việt Nam phải biết kiến thức Lịch sử của dân tộc. Trong kỳ thi THPT quốc gia, theo quy định học sinh được tự chọn môn thứ tư, nhiều bạn lựa chọn Địa lý. Điều này dẫn đến nhiều học sinh không chú tâm học Sử”, Ngọc Diệu nói. Nữ sinh cho rằng, nếu Lịch sử là môn tự chọn, học sinh sẽ mất gốc, không biết đến cội nguồn và nhiều truyền thống tốt đẹp khác.
Trái ngược những ý kiến trên, bạn Hòa Nhân, học sinh lớp 9E1, trường Marie Cuire Hà Nội cho rằng, Lịch sử nên là môn tự chọn vì chương trình hiện tại quá khô cứng.
Hòa Nhân nêu ý kiến: “Đa phần giáo viên dạy Sử đều phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, không tạo hứng thú cho học sinh. Thêm nữa, xu hướng của học sinh hiện tại là tập trung các môn chính để thi cử, không dành thời gian học Sử”.
Hoàng Minh Trang (lớp 10 Anh, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) cũng chọn phương án Lịch sử là môn tự chọn. Theo Trang, học bất cứ môn nào cũng cần có hứng thú để tiếp thu bài vở.
“Lịch sử giúp học sinh hiểu thêm về quá khứ, những điều đáng tự hào của đất nước, nhưng không phải nếu không học Lịch sử thì học sinh sẽ không biết gì về dân tộc mình. Thậm chí, khi không học Lịch sử, học sinh vẫn có vốn hiểu biết và kiến thức lớn về những trang sử Việt Nam qua rất nhiều phương tiện truyền thông, chỉ cần có hứng thú. Nếu không đam mê, học sinh cũng chỉ học đối phó, cho dù đó là môn bắt buộc”, Trang nêu ý kiến.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM - người có kinh nghiệm 8 năm giảng dạy Lịch sử ở bậc THPT - đồng tình với quan điểm đưa Lịch sử là môn tự chọn và dạy Lịch sử theo phương pháp tích hợp.
Giáo viên này chia sẻ: “Tôi nhận thấy sự chuyển biến rất rõ về quá trình tiếp nhận kiến thức của các em, từ một chiều đến mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quan điểm. Đôi lúc các em còn tranh luận 'nảy lửa', nêu những luận điểm để thuyết phục giáo viên và bạn bè. Với cương vị là giáo viên, tôi cũng phải thay đổi mình trong việc tìm ra các cách lý giải để thuyết phục học sinh. Vì thế, tôi cho rằng, Lịch sử là môn học phù hợp việc dạy theo hướng tích hợp và liên môn”.
Theo cô giáo Huyền Thảo, việc tích hợp tri thức của các ngành khoa học khác sẽ làm cho Lịch sử trở nên hấp dẫn, không còn khô cứng, bởi các sự kiện rời rạc. Cái hay, hấp dẫn của Lịch sử chính là giải thích, phân tích để hiểu được nguyên nhân, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.
Quan trọng là thay đổi phương pháp
Nhiều học sinh cho biết, Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc không quá quan trọng. Vấn đề các em quan tâm là việc trả lời câu hỏi: "Làm thế nào để học sinh không chán Sử?".
Nữ sinh lớp 12 Phương Thảo (Thái Nguyên) cho biết, việc dạy và học Lịch sử tại trường khá nhàm chán. “Bài học về chiến tranh thế giới, em học đến 3 lần nhưng nội dung không có gì mới, phần nào cũng nói sơ qua, không ấn tượng”, Thảo đưa ví dụ.
Nữ sinh này đề xuất, giáo viên nên thay đổi hình thức dạy bằng cách cho các em xem video, phim ảnh hay kể chuyện.
Mặc dù Ngọc Diệu đồng tình với quan điểm Lịch sử nên là môn bắt buộc, nhưng nữ sinh này đưa ra điều kiện kèm theo: Cần thay đổi phương pháp truyền đạt kiến thức mới lạ để cải thiện được tình hình dạy và học Lịch sử.
Nữ sinh Bình An nêu, không chỉ thay đổi phương pháp, học sinh cần bỏ suy nghĩ “tiêu cực” về môn Sử. Hãy dành thời gian gắn bó thực sự, Lịch sử sẽ không còn khó như tưởng tượng.
An kể: “Chúng em may mắn được học cô giáo dạy Sử rất hay, lôi cuốn. Những tiết Sử không còn là đọc - chép, tiếp thu một chiều mà có sự tương tác, ví dụ sinh động".
Cùng trường với Bình An, Hòa Nhân kể, em từng tham gia học tại Đức một tháng và được tự chọn các môn học. Lịch sử được dạy rất hấp dẫn, học sinh tiếp thu kiến thức theo mô hình, các trò chơi, hiệu quả cao.
Một trong những phương pháp học đáng chú ý là của Ngô Quang Đĩnh, lớp 10A7, THPT Trần Khai Nguyên TP HCM, học sinh có tài vẽ sơ đồ Lịch sử theo phong cách hoạt hình. Theo Quang Đĩnh, cần có sự nỗ lực của mỗi cá nhân để thay đổi cách học Lịch sử.
“Mỗi người nên tự nghĩ ra cách riêng cho mình để nhớ lại bài như vẽ, tưởng tượng, liên quan chủ đề bài học”, Đĩnh chia sẻ.
Ngô Quang Đĩnh vẽ sơ đồ bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Lịch sử không còn khô cứng với cậu học trò qua góc nhìn độc đáo: “Kiến thức cũng giống bánh mì, ăn nguyên ổ thấy ngán nên sẽ cắt nhỏ từng phần. Thay vì đọc, em sử dụng cách ghi nhớ qua hình ảnh, rất hiệu quả”.
* Trong cuộc khảo sát trên Facebook của thầy giáo Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội, có nhiều ý kiến thú vị xung quanh vấn đề này. Thầy Đạt nêu câu hỏi: Lịch sử là môn bắt buộc hay tự chọn? Tại sao bạn lại chọn phương án đó? Nguyễn Thành: Môn bắt buộc, nhưng em nghĩ cần đổi mới phương pháp dạy và học để học sinh tiếp thu tốt hơn. Nguyễn Phi Hùng: Môn bắt buộc, vì nó hiện là môn học duy nhất làm đủ nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, yêu hòa bình thế giới. Phan Diễn: Môn tự chọn. Em nghĩ Lịch sử chỉ là câu chuyện của quá khứ, tương lai rộng mở mới qua trọng. Nguyễn Đức Trung: Em nghĩ nên cải cách bộ sách Lịch sử và đào tạo lại giáo viên dạy học môn này. Kiểu học thầy đọc trò chép đã quá cũ và không hiệu quả, học sinh kiểm tra xong cũng quên hết kiến thức. Mai Thạch Việt Anh: Học sinh không được quyền chọn, thế nên dù câu trả lời thế nào cũng nên nghĩ đến vấn đề: Học bất cứ điều gì phải làm sao để thấy hứng thú, muốn học thì mới hiểu được những điều cần học. * Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT công bố ngày 5/8 để tiếp thu ý kiến, nhiều môn học sẽ bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn học bắt buộc và tăng dần môn tự chọn. Trong phần VII của dự thảo: Định hướng xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục khác, nhiều người quan tâm đến vị trí môn Lịch sử. Nếu ở tiểu học môn Lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc. Các môn tự chọn bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Công nghệ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các chuyên đề học tập về Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Nghiên cứu khoa học. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]