Thái Doanh Nghi (sinh năm 1999, Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang theo học năm cuối ngành Kiểm toán tại DePaul University ở thành phố Chicago, bang Illinois của Mỹ.
Năm lớp 12, Nghi đến Mỹ du học theo diện học bổng trao đổi, trước đó cô là cựu sinh của trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Những ngày đầu tiên ở Mỹ là kí ức khó quên của cô gái Sài thành, trước khi du học Nghi chưa từng học hay ôn thi các chứng chỉ tiếng Anh như TOEFL hay IELTS. Vì thế, nữ sinh gặp khó khăn khi nghe hiểu các bài giảng môn Lịch sử hay Chính trị Mỹ.
Thái Nghi chia sẻ: “Thầy cô nói rất nhanh và nhiều từ lạ mình chưa học bao giờ.”
Để khắc phục khó khăn trên vào cuối buổi học nữ sinh sẽ lên hỏi lại thầy cô những phần mình chưa nghe hiểu, đồng thời ghi chép những từ mới vào sổ.
Thái Doanh Nghi giành điểm tuyệt đối trong ba năm học đại học tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi viết luận, Nghi cố gắng sử dụng những từ mới nhiều nhất có thể để mở rộng vốn từ. Nữ sinh xin phép thầy cô để ghi âm và sử dụng Translator trong giờ học để nghe hiểu lời giảng.
Vốn là một cô gái hướng nội nên lúc các bạn người Mỹ giao lưu và nói đùa bằng tiếng Anh, Nghi cảm thấy lạc lõng vì mình không hiểu câu đùa của các bạn. Đáp lại những câu đùa, nữ sinh thường im lặng.
Sau đó Nghi làm quen với một vài bạn du học sinh nước ngoài ở kí túc xá, giao tiếp với các bạn nhiều hơn, từ đó cô mạnh dạn hơn trong việc giao tiếp với mọi người.
Để đạt được điểm GPA tuyệt đối trong ba năm học đại học, nữ sinh sử dụng nhiều phương pháp nhằm tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian ôn tập trước mỗi kỳ thi.
Chia sẻ phương pháp cho những môn học yêu cầu tính toán, Doanh Nghi cho biết cô áp dụng công thức: “Ghi chép – Bài tập – Ghi chép”.
Nghi khuyên: “Hãy ghi chép ý của thầy cô theo cách bạn hiểu vào vở vì phương pháp ghi bài là bước đầu tiên để giúp bạn nhớ.
Khi bạn ghi chép theo cách bản thân hiểu thay vì chép theo lời của thầy cô hoặc theo slide bài giảng, bạn đã biến những thông tin thầy cô truyền đạt thành kiến thức riêng của mình và từ đó việc ghi nhớ chúng trở nên dễ dàng hơn.”
Bên cạnh đó, cô bạn tranh thủ làm bài tập của môn đó ngay trong ngày hoặc là ngày hôm sau vì theo Nghi đây là thời điểm kiến thức vẫn còn mới và là thời gian hiệu quả để giúp người học ôn tập thêm một lần nữa. Đối với những câu khó, Nghi tham khảo lời giải trên Google hoặc trong sách.
Sau khi đã đọc qua 2-3 lần phần lời giải, nữ sinh chép câu hỏi và lời giải này ở ngay dưới phần ghi bài theo mục Example (ví dụ) kèm chú thích theo cách mình hiểu để giải ra đáp án đúng.
Như vậy, lúc ôn tập kiểm tra, cô sẽ dễ dàng ôn tập lại những câu hỏi này.
Đối với môn thi theo dạng viết luận, Nghi cũng ghi chép lời của thầy cô theo ý mình hiểu bằng các mũi tên hay gạch đầu dòng theo một trật tự logic.
Trước ngày kiểm tra cô sẽ ghi những ý chính trong vở sang một tờ giấy rời và học ý chính dựa vào những bài có cùng chủ đề.
Khi làm bài thi cô sẽ từ những ý chính mình đã tổng hợp được, cách hiểu của mình và theo như thầy cô giảng để ghi chi tiết và đầy đủ hơn.
Về bài luận môn học, Doanh Nghi cho rằng viết đủ ý mới quan trọng chứ không phải viết dài. Vì vậy theo nữ sinh chỉ cần trong câu trả lời có đầy đủ các ý như thầy cô yêu cầu người học sẽ dễ đạt được điểm tuyệt đối.
Ngoài ra, sau mỗi lần thầy cô trả bài kiểm tra cũ, Nghi thường xem và rút kinh nghiệm cho những lần kiểm tra tiếp theo.
Với môn vấn đáp, Nghi khuyên đừng học thuộc đoạn văn hay câu trả lời sẵn, vì khi mình trả lời thầy cô sẽ cảm thấy rất cứng ngắc. Đồng thời khi có câu hỏi bất ngờ, mình sẽ dễ bị tâm lý vì chưa học thuộc trước.
Thay vào đó Nghi sẽ ôn tập theo dạng câu hỏi tham khảo và mỗi câu hỏi nữ sinh mình sẽ trả lời bằng vài gạch đầu dòng về những ý cô nghĩ nên có trong câu trả lời.
Bảng điểm của Doanh Nghi tại DePaul University, Chicago, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau đó nữ sinh sẽ ghi hình phần trả lời của mình để rút kinh nghiệm và chỉnh sửa. Nghi cho rằng người học cũng phải thả lỏng và xem đây như là một cuộc trò chuyện, chứ không phải giống như một kì thi vấn đáp. Đây cũng là cách Nghi áp dụng để luyện tập phỏng vấn xin việc.
Nữ sinh thường học khoảng 18-20 tín chỉ, tương đương với 5 môn cho một kì 10 tuần. Cô bạn thường xếp những môn học cùng một lĩnh vực chung một kì. Theo Nghi như vậy sẽ thuận tiện hơn vì những môn này có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Ngoài chú trọng công việc học tập, Nghi còn dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa.
Hai năm đầu cô tham gia và làm trưởng nhóm của câu lạc bộ tổ chức event cho học sinh sinh viên ở trường và câu lạc bộ về văn hoá nhạc Pop của châu Á.
Đến năm ba nữ sinh được cử làm Senator of International Student - Đại diện của nhóm du học sinh trong trường.
Ngoài ra, Nghi còn được nhận vào thực tập kì mùa Đông 2022 tại công ty Deloitte, nhưng vì dịch Covid-19 diến biến phức tạp và vài nguyên do cá nhân nên nữ sinh xin dời lại để thực tập ở kì Hè 2022.
Để cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại, Nghi thường sắp xếp 2 môn “nhẹ” cho thứ hai để học và giải quyết luôn bài tập của tuần đó. Với thứ ba, tư, năm, nữ sinh sắp xếp mỗi ngày một môn để học và làm bài tập.
Nghi dùng ngày thứ Sáu để làm một phần bài tập của các môn. Mỗi tuần cô sẽ làm 1/4 hay 1/3 bài tập cho đến trước hạn chót một tuần để dư thời gian kiểm tra và sửa đổi.
Ngoài ra, cô bạn cũng sẽ dành khoảng một tiếng mỗi ngày để tham gia hoạt động của câu lạc bộ ở trường.
Doanh Nghi cho biết sau khoảng 18h mỗi ngày và thứ Bảy, Chủ nhật là thời gian mình dành ra để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và xạc điện lại cho tuần tiếp theo.
Nghi sẽ hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp vào tháng 6 năm 2022, đồng thời cô cũng sẽ bắt đầu kì thực tập tại công ty Deloitte.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]