Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT vừa ban hành lấy ý kiến, nhiều môn học sẽ bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn học bắt buộc và tăng dần môn tự chọn.
Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc.
Các môn tự chọn bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Công nghệ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các chuyên đề học tập về Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Nghiên cứu khoa học.
Điều đáng lưu ý, nếu ở tiểu học môn Lịch sử được tích hợp trong bộ môn khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (phải) và GS Phan Huy Lê.
Dự thảo đã từng bước “khai tử” môn Lịch Sử trong các môn học phổ thông và tương ứng với nó là loại bỏ luôn trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Điều đó cho thấy vị thế và vai trò của môn học này bị đánh giá thấp so với các môn học phổ thông.
Cụ thể, Lịch sử và Địa lý chỉ tách thành môn học độc lập ở cấp THPT (nhưng lại là môn tự chọn), còn cấp tiểu học và trung học cơ sở thì được lồng ghép vào môn học Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu xã hội (các lớp 4, 5) và Khoa học xã hội (cấp trung học cơ sở).
Lẽ ra, Bộ GD&ĐT phải xác định được vai trò, vị trí và ý nghĩa của môn Lịch sử đối với việc trồng người, giáo dục truyền thống, nhân cách cho học sinh. Xác định được như vậy sẽ bắt buộc học sinh phải học và thi chứ không phải để các em học theo kiểu “ứng thi”, thích gì học nấy, không thi thì không học như hiện nay.
Nếu đã chiều theo ý muốn của học sinh tự chọn thì cho chọn tất cả. Ai thích môn gì phù hợp ý thích (cảm tính) thì học, không thích thì không học. Kiểu học và thi như thế quả là tai họa.
Không biết lịch sử, điều gì sẽ xảy ra khi con cái không biết cha mẹ, ông bà tổ tiên, dòng họ mình là ai? Mình sinh ra và lớn lên ở đâu, không biết cội nguồn dân tộc?...
Không học sử, thế hệ trẻ làm sao biết được chỉ ở Việt Nam mới có ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch và không thể hiểu được tại sao đến ngày đó, học sinh, sinh viên và tất cả cán bộ, công chức được nghỉ? Tại sao UNESCO lại công nhận Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta là một Di sản văn hóa phi vật thể?
Học sinh không học và thi sử, làm sao các em hiểu được giá trị lịch sử của sự kiện 2/9; 30/4. Đó là những ngày lễ lớn mà tất cả học sinh được nghỉ?
Dạy lịch sử còn là dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh. Học Lịch sử còn để biết giá trị của ngày hôm nay, từ đó biết ý nghĩa của thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Tôi đề nghị Lịch sử phải là môn học bắt buộc và trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia.
Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật, giảng viên các trường đại học sư phạm lớn của cả nước, cùng lãnh đạo phòng trung học của một số sở GD&ĐT về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Các đại biểu tập trung vấn đề vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở bậc phổ thông. GS sử học Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm không đồng tình việc đưa Lịch sử trở thành môn tích hợp và biến môn học này không còn là riêng biệt. Dự kiến, trong tháng 11, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề này. Về vấn đề tích hợp môn học, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, phương án như trong dự thảo thiếu cơ sở khoa học, mang tính “chắp – vá”, gò ép, phá nát chương trình môn Lịch sử. GS Bình dẫn ví dụ, các nước phát triển không xếp Lịch sử là môn tự chọn. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước chúng ta đang học tập về giáo dục, cũng coi Lịch sử là môn bắt buộc. Trong một cuộc hội thảo, khi nói tới tích hợp, các giáo sư Hàn Quốc cho biết, họ không thể thực hiện được tích hợp Lịch sử với môn khác. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]