Để giúp giảm lượng thí sinh ảo trong xét tuyển, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đưa phần mềm xét tuyển chung và khuyến khích các trường tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Còn với thí sinh, lời khuyên lúc này là rà soát lại kiến thức đã ôn tập, tập trung cho Kỳ thi THPT quốc gia thay vì quá dồn tâm trí vào đợt xét tuyển ĐH sẽ diễn ra sau đó. Thêm nữa, thực tế hiện nay đã chỉ ra: ĐH hoàn toàn không phải là con đường duy nhất để các em vào đời.
Khẳng định đầu vào chất lượng
Theo GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - năm nay trường tuyển sinh 4.850 chỉ tiêu dựa theo kết quả thi THPT quốc gia, điểm trúng tuyển theo nhóm ngành.
Yêu cầu xét tuyển riêng đối với ngành Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch), ngành Công tác xã hội và các ngành Sư phạm chỉ tuyển những thí sinh có thể hình cân đối, không bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp.
Riêng các ngành đào tạo sư phạm, ngoài kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải có hạnh kiểm của 3 năm THPT đạt từ loại Khá trở lên.
Quan điểm của nhà trường là chất lượng nguồn tuyển tốt thì cũng tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy, có được nguồn tuyển tốt cùng với nỗ lực của thầy cô và điều hành hiệu quả của nhà trường thì chất lượng luôn đảm bảo.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên tuyển 1.820 chỉ tiêu ĐH cho 18 ngành đào tạo, vùng tuyển sinh trên cả nước.
Khẳng định lấy đầu vào chất lượng Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên Phan Quang Thế cho biết, tiêu chí xét tuyển của nhà trường năm nay vẫn là dựa vào quy định ngưỡng chất lượng tối thiểu (điểm sàn) của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh.
Nếu có thiếu chỉ tiêu, cũng không tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ để đảm bảo chất lượng đầu vào. Còn những em dưới điểm chuẩn của trường, để các em chọn hình thức đào tạo khác.
Đối với Viện ĐH Mở Hà Nội, TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng - cho biết có được chất lượng nguồn tuyển tốt là mong muốn của tất cả các nhà trường.
Trong một môi trường cạnh tranh người học quyết liệt như hiện nay thì để có một nguồn tuyển chất lượng với những trường tốp dưới hay trường ngoài công lập là điều không phải khó.
Tuy nhiên, việc được giao quyền tự chủ, được chủ động tham gia các nhóm xét tuyển... là những cách thức là các trường có thể vận dụng để lựa chọn nguồn tuyển tốt nhất cho mình.
“Như Viện Đại học Mở Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những thay đổi của Bộ trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 này, đây là những đổi mới có lợi cho thí sinh.
Chúng ta cùng thấy rằng, đa dạng nguồn tuyển và cách thức xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm quyền lợi cho thí sinh, đồng thời các trường cũng có thêm nhiều điều kiện lựa chọn người học” - TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.
Cân nhắc lựa chọn trường
Ngày thi đang đến rất gần, tuy nhiên không phải đến thời điểm này các em HS lớp 12 đều đã xác định được cho mình nghề nào để theo sau này.
Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia GD thì phần đông HS vẫn chọn đường qua Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới và đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ với những ngành nghề mình đam mê, có thể theo những lời khuyên của thầy cô, bạn bè, hoặc cũng có thể theo những cảm tính nhất thời.
Vẫn biết là sẽ có những tính toán chưa đúng, nhưng xem ra trước mắt, những lo lắng về việc làm thế nào, có được điểm đủ để xét tuyển vào một trường đại học đang lớn hơn những lo lắng về việc học rồi đi làm ở đâu, có chấp nhận lương thấp và làm trái nghề không?
Một thông tin thật đáng mừng là theo thống kê về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 từ nhiều địa phương trên cả nước ở cho thấy tỉ lệ thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ tăng khá cao so với năm ngoái.
Như ở Nghệ An có 31.698 thí sinh dự thi thì chỉ có 19.585 thí sinh dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ (chiếm 61,79% số lượng thí sinh đăng ký dự thi).
Hay như Lào Cai, một tỉnh miền núi biên giới có đường biên mậu tiếp giáp với Trung Quốc, trong số 6.038 học sinh đăng ký dự thi thì có 2.839 HS đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH - CĐ mà thôi.
Chỉ dẫn ra 2 địa phương trên cho thấy những thay đổi này được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là bước chuyển biến về nhận thức hết sức tích cực của người học.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra thi THPT quốc gia năm 2016 phải tuân theo quy định pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi; mọi vi phạm quy chế thi đều bị xử lý theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải nắm vững Quy chế thi, nghiệp vụ thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi.
Các nội dung thanh tra thi gồm, công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, công tác chấm thi, công tác phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp.
Trong công tác phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra, đoàn, cán bộ thanh tra, kiểm tra hoạt động độc lập với Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi chịu sự chỉ đạo trực tiếp của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Số điện thoại trực thanh tra thi của Bộ: 04.36231285; 1658528475; Fax: 04.38693145. Email: [email protected].
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]