Tại hội thảo định hướng triển khai và lộ trình phát triển ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa diễn ra ngày 24/10 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho biết Việt Nam không có quy định thống nhất về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ đa khoa.
Trong khi đó, việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp giấy phép hành nghề cho sinh viên ngành Y mới tốt nghiệp là cách làm phổ biến trên thế giới.
Thi chung để kiểm soát chất lượng bác sĩ
Thay vì cấp một loại chứng chỉ không thời hạn như ở Việt Nam, phần lớn các nước khác cấp nhiều loại giấy phép với thời hạn khác nhau, tùy thuộc quy định của nước đó và năng lực bác sĩ.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế lên kế hoạch tổ chức kỳ thi chung tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho nhân viên y tế.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế, khẳng định việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Kỳ thi chung sẽ chú trọng cả lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng. Ảnh minh họa: Văn Chung/Vietnamnet.
Các đại diện Bộ Y tế và các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Y cùng một số bệnh viện đã thảo luận về mục đích, cấu trúc của kỳ thi chung quốc gia bác sĩ đa khoa, lộ trình thực hiện cùng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Vấn đề tổ chức thi chứng chỉ hành nghề trước hay sau thời gian thực tập được nhiều chuyên gia quan tâm.
Họ đánh giá việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung trước kỳ thực hành sẽ mang lại cơ hội công bằng cho sinh viên tốt nghiệp trong và ngoài nước. Sinh viên chỉ cần vượt qua kỳ thi, chứng minh đạt năng lực yêu cầu là có thể thực hành chuyên môn liên quan người bệnh.
Bên cạnh đó, cách này cũng gắn trách nhiệm cá nhân của sinh viên vào công việc cụ thể thay vì phụ thuộc quá nhiều vào bác sĩ hướng dẫn.
Nhưng, tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề sau kỳ thực tập như cách làm ở nước ta hiện nay, bác sĩ có thể hoạt động độc lập ngay sau khi nhận chứng chỉ vì họ đã chứng minh được bản thân đạt năng lực tối thiểu theo yêu cầu chuẩn năng lực.
Một số đại diện từ trường đại học đào tạo ngành Y đa khoa cho rằng nếu tổ chức thi quốc gia chung sau kỳ thực tập, sinh viên sẽ phải mất 6 năm để hoàn thành chương trình học, 18 tháng thực tập và thêm 3 năm học chuyên khoa sau khi lấy chứng chỉ. Như vậy, cách làm này khiến người học ngành Y thêm vất vả.
Như vậy, cả hai cách đều có ưu, khuyết điểm riêng. Hiện tại, các chuyên gia và nhà quản lý vẫn chưa xác định sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia cho bác sĩ đa khoa trước hay sau thực tập.
Chưa có bộ câu hỏi đánh giá năng lực
Nội dung kỳ thi cũng là vấn đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
PGS.TS Nguyễn Duy Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Bình cho rằng nội dung kỳ thi phải bao hàm 3 yếu tố chính là kiến thức cơ sở, y tế công cộng và lâm sàng. Trong đó, thực hành lâm sàng đóng vai trò chính.
Ông và đại diện một số trường đề xuất thi lý thuyết bằng hình thức trắc nghiệm và sẽ thi trực tuyến trong thời gian tới.
Đối với phần thi thực hành, việc thực hành trên bệnh nhân khá khó thực hiện trong điều kiện hiện nay của nước ta. Vì thế, kỳ thi quốc gia cho bác sĩ đa khoa nên sử dụng bài thi lâm sàng có cấu trúc theo mục tiêu (OSCE).
Theo ông Vĩnh Sơn, Phó trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông của ĐH Y Dược TP.HCM, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đặc biệt câu hỏi trắc nghiệm, là một trong những khó khăn trong quá trình thực hiện thi quốc gia chung.
GS Gordon Strewler (ĐH California, Mỹ) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng ngân hàng câu hỏi.
“Kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa rất quan trọng. Chúng ta đã có bộ câu hỏi để đánh giá kiến thức nhưng vẫn cần xây dựng thêm bộ câu hỏi khác để đánh giá năng lực”, ông nói.
Trước yêu cầu đó, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế, khẳng định việc thành lập ủy ban thi chứng chỉ hành nghề và ủy ban xây dựng ngân hàng câu hỏi là nhiệm vụ chủ chốt trong thời gian tới.
Y đa khoa là ngành “hot”, thu hút nhiều thí sinh ứng tuyển. Số lượng trường đào tạo ngành này cũng tăng lên nhanh chóng, từ 8 trường năm 2000 đến 24 trường năm 2016. Việc đào tạo ồ ạt đã ảnh hưởng chất lượng nhân lực ngành y tế. Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia để đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên tiến tới chuẩn hóa thi chứng chỉ hành nghề vào năm 2020 nhằm đảm bảo bác sĩ, dược sĩ ra trường có mặt bằng chung về chất lượng. Kỳ thi quốc gia này cũng sẽ là cơ sở để các trường điều chỉnh chuẩn đầu ra và phương pháp dạy học. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]