Trước thềm năm học mới, đề xuất tách thi đại học và tốt nghiệp THPT quốc gia nhận được nhiều phản hồi từ dư luận, trong đó có các trường THPT.
Đại diện nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM cho rằng việc tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học sẽ phần nào giảm nhẹ áp lực dạy và học cho học sinh và giáo viên.
Các trường THPT có thể tự xét tốt nghiệp
Ông Trần Đức Thành, Hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương (TP.HCM), cho biết ông đã phản đối ý tưởng gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học làm một ngay từ đầu.
Theo hiệu trưởng này, hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau, một để xét xem học sinh có hoàn thành chương trình phổ thông cơ bản không, một là tuyển chọn sinh viên cho các trường đại học đào tạo, gộp chung thành một kỳ thi thì hết sức tréo ngoe.
"Ngay từ đầu, tôi đã không đồng ý với việc gộp hai kỳ thi như vậy và nếu cứ tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện tại, học cũng khó mà dạy cũng khó”, ông Thành nêu quan điểm.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Thanh Tùng. |
Ông Thành cho rằng việc duy trì kỳ thi “hai trong một” như ba năm qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy mà gần đây nhất chính là việc điểm chuẩn các trường đại học lên đến hơn 30 cho 3 môn thi. Đó là con số mà hiệu trưởng THPT An Dương Vương cho rằng rất vô lý.
Ngoài ra, theo ông Thành, một hạn chế khác ít được đề cập của kỳ thi THPT Quốc gia lần này là việc giao kỳ thi về cho các sở địa phương giám sát, coi thi.
“Giao cho các sở tổ chức coi thi sẽ có nơi làm nghiên túc, nơi làm chưa nghiêm. Một trong những yếu tố ảnh hưởng điểm thi chính là công tác coi thi. Học sinh ở 63 tỉnh thành lại sử dụng kết quả này để cùng xét tuyển vào một trường đại học, như thế là không công bằng”, ông Thành nêu quan điểm.
Trước ý kiến tách hai kỳ thi riêng có khả năng sẽ làm tăng áp lực dạy và học đối với giáo viên và học sinh, ông Thành cho rằng nếu các trường khéo léo tách các đối tượng học sinh với mục đích khác nhau để dạy thì không áp lực.
Cùng tâm tư với ông Thành, bà Trần Thị Thơm, Phó hiệu trưởng trường THPT TenLơMan (TP.HCM), cho biết bà hoàn toàn ủng hộ phương án tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học.
Thậm chí, nữ phó hiệu trưởng này cho rằng nên suy nghĩ đến việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, để cho các trường phổ thông xét tốt nghiệp cho học sinh.
“Gần đây, khi lập danh sách học sinh đi thi, chính các trường cũng chủ động loại những em có khả năng không đậu tốt nghiệp, khuyên các em tiếp tục ôn tập cho kỳ thi năm sau. Tức là, các trường cũng làm tốt việc tự xét trước.
Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cũng không còn là tiêu chí đánh giá xếp loại mà hiện tại các trường phố thông chỉ quan tâm tỷ lệ đậu đại học, do đó hoàn toàn có thể yên tâm giao cho các trường xét tốt nghiệp và có thể giao cho sở GD&ĐT quản lý”, bà Thơm nói.
Học sinh, phụ huynh ngờ vực
Học sinh và phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về sự minh bạch nếu giao kỳ thi đại học về cho các trường.
Bạn H.P.T., học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP.HCM, chia sẻ việc giao kỳ thi đại học cho các trường tự tổ chức, nếu có khuất tất, người chịu thiệt là thí sinh.
L.A.Y., học sinh lớp 12 trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM), cũng mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học tách riêng. Theo em này, việc tổ chức một kỳ thi đại học độc lập sẽ đánh giá đúng năng lực của thí sinh, các bạn được cạnh tranh công bằng ở sân chơi này.
Anh Hồ Phước Tĩnh, một phụ huynh ở TP.HCM, cho rằng nếu giao kỳ thi THPT về các sở địa phương tổ chức, dễ dẫn đến tình trạng chạy đua thành tích giữa các trường với nhau và giữa tỉnh này với tỉnh khác.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]