Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc đánh giá học sinh THCS (đối với lớp 6 mở rộng và lớp 7 thực nghiệm) theo mô hình Trường học mới, việc đánh giá phải hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh…
Đánh giá để giúp đỡ học sinh
Nguyên tắc đánh giá được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh là đánh giá phải hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ và các biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục THCS; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập.
Chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá:
Đánh giá các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập (gọi chung là sản phẩm học tập); kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
Đánh giá học sinh THCS mô hình trường học mới được hiểu là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh THCS. |
Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Coi trọng đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Việc đánh giá học sinh khuyết tật học hòa nhập phải bảo đảm quyền được chăm sóc và giáo dục đối với tất cả học sinh theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính.
Đánh giá thường xuyên: Không qua điểm số
Đánh giá học sinh THCS theo mô hình Trường học mới gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên không đánh giá bằng cho điểm mà đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả học tập của học sinh; chủ yếu dùng lời nói để động viên, góp ý, hướng dẫn học sinh, đồng thời ghi lại những nhận xét đáng chú ý nhất vào "Sổ tay lên lớp".
Cụ thể là: Những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những biện pháp đã áp dụng và những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân hoặc nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện.
Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể chấm và ghi điểm trên một số sản phẩm học tập để học sinh tham khảo nhưng không lưu điểm trên các loại hồ sơ khác.
Để đạt hiệu quả cao trong việc động viên, khích lệ học sinh, giáo viên cần đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh riêng... của từng học sinh để có những nhận xét thỏa đáng; biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên; tuyệt đối tránh những nhận xét có tính xúc phạm, làm tổn thương tâm lý học sinh.
Giáo viên kịp thời trao đổi với cha mẹ học sinh và những người có trách nhiệm để có thêm thông tin và phối hợp giúp cho sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Hàng tháng, đối với những học sinh cần được quan tâm nhiều hơn, giáo viên ghi nhận xét vào "Sổ tay lên lớp" của giáo viên về thành tích hoặc hạn chế nổi bật trong học tập và rèn luyện; các biểu hiện của phẩm chất, năng lực; dự kiến áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt nhằm bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, giúp đỡ kịp thời những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học và hoạt động giáo dục trong tháng...
Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: Đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.
Ngoài giáo viên đánh giá học sinh còn có học sinh tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn và cha mẹ học sinh tham gia đánh giá
Đánh giá định kỳ thông qua bài kiểm tra, cho điểm
Việc đánh giá định kì được áp dụng với tất cả các môn học thông qua các bài kiểm tra. Bài kiểm tra định kì của các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tin học có thời lượng 90 phút; các môn còn lại có thời lượng 45 phút.
Bài kiểm tra định kì gồm: Các bài kiểm tra giữa và cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học nhằm giúp cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh đánh giá được kết quả học tập của học sinh và "nhìn lại" quá trình đánh giá thường xuyên trước đó.
Điểm số của các bài kiểm tra giữa học kì không được tính vào kết quả đánh giá cuối học kì I và cuối năm học.
Đánh giá qua bài kiểm tra định kì được lượng hóa bằng điểm số theo thang điểm 10 hoặc quy đổi về thang điểm 10, kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và sửa lỗi, góp ý cho học sinh.
Nội dung nhận xét phải thỏa đáng, phù hợp với điều kiện học tập, sự tiến bộ, đặc điểm tâm lý học sinh; tránh những nhận xét chung chung, theo mẫu hay những nhận xét mang tính xúc phạm làm tổn thương tâm lý học sinh.
Đối với học sinh có kết quả bài kiểm tra định kì không phù hợp với những nhận xét trong quá trình học tập (quá trình học tập tốt nhưng kết quả kiểm tra quá kém hoặc ngược lại), giáo viên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nếu thấy cần thiết và hợp lí thì có thể cho học sinh kiểm tra lại.
Các bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh; điểm số mà học sinh đạt được trong các bài kiểm tra học kì I và cuối năm học được ghi nhận trong hồ sơ đánh giá học sinh.
Các nội dung đánh giá: 1. Đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục THCS theo từng môn học và hoạt động giáo dục. 2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh. 3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]