Đầu năm học mới, các địa phương đều có những chỉ đạo quyết liệt, nói không với dạy thêm, học thêm trái quy định. Ngoài việc giao sự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường, có nơi còn đưa ra tiêu chí cụ thể với giáo viên được tham gia dạy thêm.
Hạn chế tối đa học thêm, khuyến khích dạy tăng buổi
Đầu năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã những lưu ý cụ thể đến các nhà trường về việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong đó, yêu cầu các Hiệu trưởng tăng cường công tác quản lý để nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, hạn chế tối đa việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường; Khuyến khích các trường trung học tổ chức dạy học tăng buổi để thực hiện các hoạt động ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Việc dạy thêm, học thêm chỉ tổ chức trong trường hợp thật cần thiết, theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh; các đối tượng học thêm cũng được nêu rõ trong trường học này là học sinh yếu, kém và học sinh khá, giỏi. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa của các nhà trường.
Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh – cho biết: Sở GD&ĐT đã quán triệt rõ các Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD&ĐT (đối với cấp THCS) và trước Giám đốc Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT) về việc xây dựng kế hoạch và đảm bảo chất lượng các buổi dạy thêm.
Liên quan đến việc thu, chi tiền học thêm, tiêu chí đặt ra là phải công khai, minh bạch, tạo được sự thống nhất cao, đúng qui định và phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh.
Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, giáo viên tổ chức các lớp dạy thêm ngoài nhà trường. Trường hợp giáo viên tham gia dạy thêm tại các địa điểm do các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm đã được cấp phép thì phải được sự đồng ý và chịu sự quản lý của Hiệu trưởng về thời gian giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.
Các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên, vệ sinh môi trường, trật tự an ninh nơi tổ chức dạy thêm, học thêm và phải được Phòng GD&ĐT (đối với dạy thêm học sinh THCS) và Sở GD&ĐT (đối với dạy thêm học sinh THCS) cấp phép.
Sở GD&ĐT cũng quy định rõ số buổi dạy thêm trong nhà trường. Theo đó, đối với cấp THCS, Trưởng phòng GD&ĐT quy định thời gian (số buổi dạy thêm tối đa trong năm học) cho các lớp dạy thêm, học thêm.
Đối với cấp THPT, lớp 12, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ dạy tối đa 25 buổi; các môn còn lại tối đa 20 buổi (kể cả thời gian ôn thi THPT quốc gia sau khi kết thúc chương trình năm học).
Lớp 10, 11, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ tối đa 20 buổi, các môn còn lại tối đa 15 buổi.
Giao trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường
Ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã có văn bản đề nghị Hiệu trưởng các trường trực thuộc quan tâm chỉ đạo, ngăn chặn những tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm trong năm học mới 2015 - 2016 và các năm tiếp theo.
Theo thầy Lê Văn Vui – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu, Phòng GD&ĐT quán triệt Hiệu trưởng các trường trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, phải nắm được các giáo viên của trường đang tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường sai quy định và có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Hiệu trưởng cần quan tâm thực hiện việc quản lý và tổ chức việc dạy thêm, học thêm của đơn vị theo đúng qui định. Cùng với đó, thường xuyên tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, quản lý và xử lý các hiện tượng vi phạm trong việc dạy thêm, học thêm.
Đồng thời, tuyên truyền, giải thích để phụ huynh học sinh nắm vững các quy định của ngành về việc không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống) để tạo sự đồng thuận.
Riêng với giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm trước chương trình lớp 1 hoặc tổ chức dạy thêm cho trẻ sai qui định.
Năm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế tiếp tục nhấn mạnh không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, bất luận trong mọi lý do, hoàn cảnh nào, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Các cơ sở dạy thêm học thêm chỉ được tổ chức dạy thêm học thêm khi có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; tuyệt đối không mở lớp khi chưa có giấy phép.
Các cấp quản lý giáo dục, nhất là hiệu trưởng nhà trường được yêu cầu có biện pháp quản lý tốt đội ngũ giáo viên, không để giáo viên trong trường vi phạm Quy định về dạy thêm, học thêm. Nếu để xảy ra, hiệu trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Sở, Phòng GD&ĐT và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố Huế.
Giáo viên giỏi mới được tham gia dạy thêm Theo quy định của Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, giáo viên trong biên chế chỉ được tham gia dạy thêm khi đánh giá xếp loại viên chức năm học liền trước là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc đạt giáo viên dạy giỏi các môn học do cấp tỉnh trở lên tổ chức hoặc đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trở lên và số tiết dạy thêm tối đa bằng 50% định mức lao động của cấp học. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]