Tại buổi tiếp xúc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường còn nhiều khó khăn, Bộ GD&ĐT có một phần trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm chính của Bộ phải đào tạo sinh viên chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Việc thừa nguồn nhân lực lao động cũng cần xem xét về phía cơ quan sử dụng lao động và cả gia đình, cá nhân sinh viên.
Bộ trưởng giải thích, thứ nhất, Bộ không áp chỉ tiêu tuyển sinh cho bất cứ trường, ngành nào. Việc chọn ngành đều do sinh viên tự quyết định dưới sự định hướng của gia đình.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng trị ngày 3/12. Ảnh: Lao Động.
Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng có nhiều chính sách cho học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn được đi học thông qua học bổng, hỗ trợ cho sinh viên vay vốn…
Để giảm bớt việc sinh viên thất nghiệp khi ra trường, Bộ chủ trương định hướng, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được tư vấn, hỗ trợ đi học nghề, nhưng còn hạn chế trong triển khai do phụ huynh không đồng tình. Tâm lý phải học đại học còn quá lớn trong mỗi gia đình.
Với tình hình thừa thầy thiếu thợ hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trăn trở việc cần có sự chuyển biến trong nhận thức xã hội, gia đình cần hiểu và định hướng cho các em. Bộ GD&ĐT cũng sẽ nâng cao chất lượng dạy và học, cảnh báo về việc đào tạo thừa nhân lực một số ngành như tài chính – ngân hàng, kế toán…
Trong buổi làm việc với nhân dân địa phương, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nói rõ hơn các vấn đề liên quan ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học; giải quyết bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non; tiếp thu các ý kiến mong muốn ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học; có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhất là môn Lịch sử.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]