Tại sao bé lại đánh và cắn bạn?
Cắn để gây chú ý
Từ 18 tới 24 tháng tuổi, bé có thể dùng cắn, đánh để lôi kéo sự chú ý của mẹ. Thật vậy, bé nhận ra rằng không có cách nào nhanh hơn để được mẹ quan tâm bằng cách cắn vào bắp chân của mẹ hay "nhai" bắp tay chị gái của bé. Đánh, cắn, cấu, cào tuy không lịch sự lắm nhưng với bé, lại có hiệu quả là được người lớn chú ý ngay tắp lự.
Bày tỏ thất vọng
Bé mới biết đi thất vọng khi cha mẹ nói "không" hoặc không được các bé khác chia sẻ đồ chơi. Bé cắn, cào để chứng minh rằng bé đang khó chịu thế nào.
Sự ích kỷ của bé
Hầu hết các bé mới biết đi đều là "thần giữ của" - không muốn chia sẻ. Nếu nhiều bé cùng tranh một món đồ chơi thì hẳn rồi, cuộc xung đột "quyền lợi" chắc sẽ xảy ra. Khi cho bé tham gia một nhóm bạn, mẹ nên phân định đồ chơi cũng như trò chơi giúp các bé. Nếu bạn biết bé sắp giành một món đồ chơi, nên chuyển hướng bé bằng cách nói: "Đến đây, chơi cái này cùng mẹ nào"
Ngăn chặn thói thích cắn, đánh của bé
Đối với nhiều bé tuổi chập chững, đánh hoặc cắn chỉ là tật xấu tạm thời. Khi bé lớn hơn, thường là lúc lên 3, bé phân biệt được tốt hơn những hành vi sai trái, nhờ vào kỹ năng ngôn ngữ và khả năng điều chỉnh cảm xúc. Mặc dù vậy, các huyên gia vẫn khuyên rằng, cha mẹ nên rèn bé ngay từ đầu. Hãy nhanh chóng nhắc nhở bé với giọng điệu nghiêm túc và khắt khe vừa đủ. Đồng thời, thử áp dụng một số chiến lược dưới đây:
Dùng ngôn ngữ ký hiệu
Nếu con bạn chưa biết nói rõ ràng, hãy dạy con những ngôn ngữ ký hiệu cơ bản để con có thể diễn tả được cảm xúc của mình.
Công nhận cảm xúc của con
Lần tới con đánh bạn, hãy nắm tay con và nói: “Mẹ biết con cảm thấy rất tệ. Con có thể cảm thấy như vậy, không sao cả, nhưng đánh một ai đó thì là hành động không chấp nhận được”. Tovah Klein, Giám đốc Trung tâm Barnard College Center for Toddler Development (Mỹ) khuyên bạn nên giúp con hiểu rằng việc con có cảm xúc như vậy là điều dễ hiểu, nhưng còn có những cách khác để “xử lý” cảm xúc đó.
Đừng cố giải thích nếu con còn quá bé
Đừng hỏi con rằng: “Con sẽ thấy thế nào nếu bị ai đó đánh?” Trẻ mới biết đi không đủ trưởng thành về trí tuệ hoặc cảm xúc để có thể đồng cảm với người khác, Klein cho biết. Thay vì cố giải thích cho con, hãy đưa ra những hình phạt hợp lý – nếu con đánh bạn trên sân chơi, bạn sẽ đưa con về nhà, nếu con cắn đồ chơi, con sẽ không được chơi món đồ ấy nữa.
Đọc sách cho con
Những cuốn sách trẻ em đề cập tới vấn đề trẻ cắn đồ hoặc đánh bạn là sự lựa chọn tuyệt vời. Như vậy, con sẽ nhận được thông điệp “đánh bạn là không ổn chút nào” mà thông điệp đấy đến từ một nguồn khách quan khác, chứ không phải chỉ từ bạn.
Cho con dùng miếng cắn răng
Đó là những món đồ bằng chất dẻo, phù hợp với những đứa trẻ không ngừng cho một món đồ gì đó vào mồm. Bạn có thể dặn con mang miếng cắn răng theo người và mỗi lần muốn cắn một thứ gì đó thì lấy ra dùng. Nếu con bạn chỉ mới biết đi, hãy để miếng cắn răng trong túi của bạn và đưa nó cho con mỗi khi con định cắn tay của một ai đó.
Giúp con lấy lại bình tĩnh
Nếu con cứ không ngừng làm mình hoặc những đứa trẻ khác bị thương và không thể giữ được bình tĩnh, hãy ngồi vắt chéo chân, để con ngồi vào lòng và quay mặt cùng hướng với bạn. Như vậy con sẽ không thể cắn hoặc làm bạn bị thương, Fran Walfish, tác giả cuốn The Self-Aware Parent cho biết. Tiếp đó, bình tĩnh nói với con: “Khi con ngừng những hành vi tiêu cực, mẹ mới buông con ra”. Khi bạn thấy con bình tĩnh trở lại, hãy dành cho con những lời khen ngợi.
Hãy nhất quán
Cần phản ứng với bé theo một cách nghiêm khắc mỗi lần bé hung hăng đánh, cắn hay cào, cấu. Dần dần theo thời gian, bé có thể tự rút ra bài học cho mình sau nhiều lần "chơi xấu" như thế. Chẳng hạn, cuối cùng bé cũng nhận ra nếu bé đánh con chó thì sẽ bị mẹ phạt và không tặng bé một phiếu dán bé ngoan nữa. Đối với lứa tuổi 2-3, dạy bé nhất quán theo thời gian là một cách hiệu quả.
Làm trò vui nhộn thay thế
Khi bé sắp bùng phát hành vi tiêu cực, bạn có thể vờ gầm lên như con sư tử hoặc giả làm con mèo kêu "meo meo". Bắt chước tiếng động vật có thể ngay tức khắc thu hút bé mới biết đi vì nó vừa buồn cười, vừa đáng sợ. Lúc bé đang phân vân chưa hiểu mẹ định làm gì thì nhân cơ hội này, bạn chuyển hướng cho bé sang hoạt động khác.
Biết nguyên nhân tính xấu của bé
Bé cắn, đá, đánh, quấy có thể do mệt, không ngủ đủ giấc ban trưa hoặc giấc ngủ ban đêm không đúng giờ. Bé cũng có thể cắn mẹ khi bé đói. Do đó, hãy cho bé ăn vặt đủ bữa và tuân theo giờ giấc ngủ nghiêm ngặt. Đừng quên cho bé đi chơi ngoài trời để tâm trí bé thoải mái.
Theo phunutoday.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]