Việc nuôi dạy con cái sao cho chúng có thể lớn khôn và thành đạt hẳn là một nỗi niềm đau đáu của không ít các bậc phụ huynh. Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần cho con mọi thứ con muốn, lo toan từng chút một, thay con lập trình sẵn lối đi của cuộc đời là con sẽ an ổn trưởng thành và bước lên đài cao danh vọng.
Thế nhưng nếu làm như vậy thì có khác nào cha mẹ chỉ cho trẻ con cá mà không cho chúng cần câu, không dạy chúng cách câu để rồi trở thành một đứa trẻ thụ động, luôn trông chờ vào cha mẹ. Vậy thử hỏi, những đứa trẻ như thế liệu có thể thành danh như kỳ vọng của cha mẹ được hay không?
Do đó, một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ nhất định không được quên rèn luyện cho con chính là cách tư duy, đặc biệt là tư duy theo cách của người giàu. Một khi trẻ đã phát triển được cách tư duy, dù bạn có không cho con cần câu, chúng sẽ nghĩ cách để có được, không dạy chúng cách câu, chúng vẫn sẽ tìm ra cách để biết.
Điều này cũng giống với quan điểm mà chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Anh Nguyễn đã chia sẻ trên trang Facebook của mình vào mùng 5 tết Kỉ Hợi vừa qua. Bài đăng của vị chuyên gia đã nhận được hàng nghìn lượt like, chia sẻ, cũng như hàng trăm bình luận từ những người quan tâm.
Trong bài chia sẻ, chuyên gia Anh Nguyễn nhận định, người giàu và người nghèo ngoài tiền bạc thì còn khác nhau cả ở cách tư duy nên muốn con giàu có thì phải dạy chúng cách nghĩ như người giàu.
Có thể bạn nghĩ mình kiếm thật nhiều tiền rồi để lại cho con, vậy chẳng phải chúng đã trở thành người giàu rồi sao? Đúng thế, con đã giàu rồi nhưng lại thiếu đi cách tư duy của người giàu, mà như vậy thì "cũng giống như người trúng số độc đắc không biết làm gì và rồi cũng trở về lại cuộc sống như ban đầu" mà thôi.
Vì thế, dạy con biết suy nghĩ như những người giàu là một việc vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của trẻ và theo Anh Nguyễn thì cha mẹ phải giúp con hiểu được ba điều cốt lõi sau.
1. Việc đầu tư làm giàu vốn tri thức của bản thân phải được đặt lên hàng đầu
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: "Đầu tư vào bản thân bạn là điều tốt nhất mà bạn có thể làm. Bất cứ điều gì có thể giúp cải thiện và nâng cao những tài năng của bạn; Không ai có thể đánh thuế hay tách nó ra khỏi bạn. Chúng có thể tạo ra những khoản thâm hụt lớn và đồng đô la có thể sụt giá. Nhưng nếu bạn có tài năng, và có thể tối đa hóa tài năng của mình, bạn có thể nắm trong tay một khối tài sản gấp mười lần so với những gì bạn đã bỏ ra".
Như vậy có thể thấy, nếu ngay từ nhỏ trẻ đã biết không ngừng trau dồi vốn tri thức, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết thì chúng sẽ trở thành người có thể kiêm nhiệm được nhiều công việc khác nhau. Việc này giúp trẻ có thể linh hoạt ứng biến để "sinh tồn" trong mọi hoàn cảnh, dù là khốc liệt nhất, và cũng giúp trẻ nâng cao hơn giá trị của bản thân.
Vấn đề đặt ra là làm cách nào để rèn cho trẻ suy nghĩ này từ khi còn bé? Chuyên gia Anh Nguyễn khuyên bạn làm hai việc là "nuôi dưỡng suy nghĩ" và "dạy trẻ kỹ năng tự tìm kiếm thông tin từ sách, báo". Điều này có nghĩa, khi trả lời câu hỏi nào đó của con, bạn nên cho con biết bạn lấy thông tin đó ở đâu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên đưa cho con một chủ đề để con tự tìm hiểu, và sau đó cùng nhau thảo luận về vấn đề đó.
Những việc này khiến trẻ hiểu được lời nói của một người là một nguồn thông tin mang nhiều ý kiến cá nhân nên "chỉ để lấy ý kiến, không phải nguồn tham khảo". Ngoài ra trẻ cũng sẽ hiểu được, mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến cùng với các dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình, nhưng "chỉ những thông tin nào rõ ràng và được tất cả mọi người đồng ý mới có giá trị".
2. Dạy con biết cách tiêu tiền
Cha mẹ muốn con biết tiêu tiền thì phải dạy cho con hiểu rõ về ba loại túi tiền: Tiền để tiêu, tiền để dành và tiền đầu tư.
-Túi tiền để tiêu là túi mà trẻ dùng để mua bất cứ thứ gì trẻ muốn, trẻ thích như búp bê, kẹo bánh, truyện tranh...
-Túi tiền để dành là túi mà trẻ có thể sử dụng để mua đồ cho mình khi túi tiền để tiêu đã hết, hoặc cũng có thể mua cho người khác như ủng hộ đồng bào vùng lũ, mua sách tặng cho các bạn học có hoàn cảnh khó khăn... Bạn hãy để con tự quyết định xem sẽ tiêu túi tiền này thế nào, và từ đó trẻ cũng sẽ học được bài học quý giá về sự lựa chọn.
-Túi tiền đầu tư chính là túi mà trẻ dùng để "mua sự hiểu biết: Sách, lớp học, khóa học". Bạn nên dạy trẻ hiểu khi nào biết mình cần học thêm điều gì thì hãy đầu tư vào lúc đó, và khoản đầu tư này sẽ sinh lời trên chính bản thân trẻ, giúp trẻ phát triển trong tương lai.
Cha mẹ nên sớm dạy con về ba loại túi tiền: Tiền để tiêu, tiền để dành và tiền đầu tư, cũng như cách tiêu tiền sao cho hợp lý.
"Trẻ nhỏ chỉ cần học về 3 túi này là đủ vì mục đích của bạn là muốn trẻ có cách suy nghĩ tư duy, không phải kiếm tiền. Khi có suy nghĩ tư duy thì ở bất cứ lĩnh vực nào, trẻ cũng kiếm tiền được," chuyên gia Anh Nguyễn cho hay.
Anh Nguyễn cũng cho rằng cha mẹ có thể sớm cho con tiền tiêu vặt hàng tháng, nhưng nhất thiết phải dạy con về ba loại túi tiền trên và cách tiêu sao cho hợp lý.
3. Dạy con hiểu thất bại không đáng sợ bởi nó chỉ là một phần của trò chơi
Trò chơi nào cũng vậy, có người thắng cuộc thì cũng phải có người thua cuộc, thắng hay thua chỉ là một phần của trò chơi mà thôi. Đây chính là điều mà các bậc cha mẹ cần dạy cho con hiểu: Có thua cuộc cũng không cần xấu hổ hay ganh tị với người khác, chỉ cần kiên trì nỗ lực, sẽ tới lúc con giành được chiến thắng của riêng con.
Trong cuộc sống này, con không thể đảm bảo được bản thân luôn thành công nhưng nếu vì sợ thua mà không dám chơi, không dám làm thì kết cục chỉ có một: Thất bại thảm hại. Người thành công và thất bại kỳ thực khác nhau ở chính cái suy nghĩ này.
Người thành công dám đương đầu với khó khăn, vấp ngã đau đớn cũng vẫn kiên trì đứng dậy và bước tiếp. Oprah Winfrey là một minh chứng rõ ràng cho điều này: Trải qua tuổi thơ khó khăn, bị lạm dụng, mang thai khi chỉ mới 14 tuổi... nhưng thay vì tự ruồng bỏ bản thân, bà đã cố gắng không ngừng và hiện là "Nữ hoàng truyền thông Mỹ".
Trong khi đó, những người thất bại lại vì sợ bị người khác chỉ trích, gièm pha về thất bại của mình nên chẳng dám đối mặt và vượt qua thách thức. Những người này là những người "không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân gãy".
Ngoài việc giúp con hiểu được không chỉ con mà ai cũng đều có thể thất bại, cha mẹ cũng cần chú ý tới thái độ và hành động của mình. Thay vì trách móc, tỏ ra thất vọng khi trẻ thất bại, hãy khuyến khích để con thực hiện lại việc đó từ đầu.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ nói về những tấm gương thành công, hãy kể cho trẻ cả về những câu chuyện của người từng thất bại nhưng biết đứng lên. Nhờ đó, trẻ vừa có thêm động lực để hành động, vừa học thêm được nhiều bài học quý giá để giảm số lần thất bại của bản thân.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]