Nhức đầu khi mang thai thường gặp trong ba tháng đầu thai kỳ và ba tháng cuối thai kỳ. Hầu hết, tình trạng đau đầu khi mang thai khiến thai phụ khó chịu nhưng thường vô hại. Tuy nhiên, một cơn nhức đầu có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nếu thai phụ lần đầu tiên bị đau nửa đầu hay đau đầu trầm trọng, sẽ cần tham khảo các đánh giá của bác sĩ để đảm bảo không có vấn đề nào khác đang diễn ra.
Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai
- 3 tháng đầu tiên: Do sự thay đổi hormone, căng cơ, thay đổi vóc dáng, xáo trộn tuần hoàn máu ở cơ thể bà mẹ.
- 3 tháng cuối: Do trọng lượng của thai nhi tăng lên, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
- Một số yếu tố khác làm tăng chứng đau đầu ở bà mẹ là: stress, mệt mỏi, chế độ ăn uống quá nhiều caffein, thiếu ngủ, uống ít nước, đói, hạ đường huyết…
- Nhiều bà mẹ xuất hiện chứng đau nửa đầu trong quý I của thai kỳ. Đau nửa đầu có biểu hiện đau nhói một bên đầu, kèm theo khó chịu khác như nôn hoặc buồn nôn.
Lưu ý: Muốn điều trị chứng đau đầu trong giai đoạn mang thai, bạn phải hết sức thận trọng. Bạn không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào, kể cả thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc.
Biện pháp giảm đau đầu khi mang thai
Thuốc giảm đau không phải là lựa chọn duy nhất để xử lý tình trạng đau đầu khi mang thai. Một số biện pháp chăm sóc nhẹ nhàng và các lưu ý nhỏ sẽ giúp mẹ luôn cảm thấy dễ chịu.
Đắp khăn mát: Nằm nghỉ và đặt một chiếc khăn mát lên trán.
Tránh xa những nguyên nhân gây đau đầu: Nếu thức ăn hoặc mùi cơ thể có thể châm ngòi cho chứng đau nửa đầu của bạn, hãy tránh xa chúng. Ngoài ra, việc ghi chép lại về những cơn đau đầu, chẳng hạn như bạn đã ăn gì, gặp những vấn đề gì khi cơn đau đầu xảy ra có thể giúp bạn xác định được những nguyên nhân gây ra chúng đấy.
Vận động cơ thể nhiều hơn mỗi ngày: Thử đi bộ hàng ngày hoặc tập các bài aerobic với cường độ nhẹ, bạn sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng và sảng khoái hơn.
Kiểm soát căng thẳng: Tìm một cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng, chẳng hạn như giao bớt công việc phải làm cho người khác, tâm sự với bạn bè, những người thân hay một chuyên gia về vấn đề khiến bạn lo lắng.
Thực hiện những phương pháp giúp thư giãn: Hãy thử hít thở sâu, tập yoga, massage hay sắp xếp thời gian để đi du lịch.
Ăn uống thường xuyên: Thường xuyên ăn những bữa ăn đã được lên kế hoạch trước và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa đau đầu. Ngoài ra, bạn nên uống thật nhiều nước.
Ngủ theo lịch cố định: Thiếu ngủ có thể gây ra đau đầu trong quá trình mang thai đấy.
Cân nhắc thực hiện phản hồi sinh học. Đây là một biện pháp y học giúp kiểm soát các chức năng của cơ thể bằng ý nghĩ. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, bạn sẽ học được cách kiểm soát những chức năng cơ thể nhất định – như sự căng cơ, nhịp tim hoặc huyết áp – để ngăn ngừa và giảm đau đầu. Nếu bạn muốn thử thực hiện phản hồi sinh học để đối phó với những cơn đau đầu trong quá trình mang thai, hãy hỏi người bác sỹ của mình xem họ có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia phản hồi sinh học không.
Đau đầu khi mang thai là triệu chứng thường gặp ở rất nhiều thai phụ. Nếu thai phụ đã từng bị đau đầu trước đây, hãy nói cho bác sĩ biết để bác sĩ có thể lựa chọn cách điều trị thích hợp nhất trong thời gian mang thai. Nếu bị đau nửa đầu, gần như thai phụ sẽ không thể dùng các loại thuốc thai phụ đã uống trước đây và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào khác ngoài paracetamol
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]