Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Vàng da sơ sinh là do tăng bilirubin gián tiếp rất hay gặp, chiếm 25 - 30% ở trẻ đủ tháng và đa số ở trẻ non tháng. Bệnh thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên nhưng nguy hiểm nhất là trong 2 tuần đầu. Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh
Chứng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hằng ngày, các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra; nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.
Vàng da được chia thành 2 mức độ:
Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt; hoặc vàng da xuất hiện muộn, sau ngày thứ ba.
Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.
Ở trẻ đủ tháng, bình thường thì vàng da được coi là sinh lý khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
Xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…)
Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng.
Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
Khi nào nên điều trị?
Vàng da phải được coi là bệnh lý khi có bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị ngay, càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
Chỉ những trường hợp có mức bulirubin quá cao mới cần phải được can thiệp về y tế bởi nguy cơ biliburin có thể di chuyển đến não và gây hư hại não. Có hai phương pháp thường được sử dụng là chiếu đèn và truyền máu. Với phương pháp đầu tiên, bé sẽ được nằm trong lồng chiếu đèn giúp chuyển bilirubin thành một dạng dễ phân hủy, giúp gan dễ dàng xử lý.
Nếu bé có nguy cơ bị nhiễm độc bilirubin cao, bác sĩ có thể xem xét biện pháp truyền máu. Trong đó, một phần máu của bé sẽ được thay thế để giảm bớt nồng độ bilirubin. Hầu hết trẻ nhỏ đều đáp ứng rất tốt với việc chữa trị và có thể mau chóng trở về nhà.
Phương pháp điều trị
Chiếu đèn:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ nhất: 40mg/l; ngày thứ 2: 130mg/1; ngày thứ 3: 160mg/l.
Dùng nguồn ánh sáng mầu xanh dương từ bóng đèn compact, hallogen tác động lên các phân tử bilirubin ở dưới da trẻ. Các phân tử này bị biến thành các dạng đồng phân quang học, không độc, tan trong nước, dễ dàng được thải qua nước tiểu. Chiếu đèn liên tục từ 3 - 15 ngày, tuỳ theo mức độ của bệnh. Có thể cho trẻ chiếu đèn trong lồng ấp, giữ nhiệt độ từ 30 - 32oC. Cân nặng của trẻ càng thấp, nhiệt độ trong lồng ấp càng cao.
Lưu ý khi chiếu đèn: cần cho trẻ uống thêm nước, bú nhiều để bổ sung nước cho cơ thể. Hoặc truyền thêm dung dịch đường 10%.
Thay máu:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ 1 và ngày thứ 2: 180mg/l; ngày thứ 3: 200mg/l.
Qua đường tĩnh mạch rốn, dùng bơm tiêm hút ra một lượng máu nhất định sau đó lại bơm vào cơ thể trẻ một lượng máu tương đương. Sau mỗi lần thay máu, cần kiểm tra lại nồng độ bilirubin. Nếu nồng độ này vẫn cao, cần thay lần tiếp theo cho đến khi nồng độ bilirubin đạt mức cho phép.
Lượng máu được chỉ định đối với trẻ sinh đủ tháng từ 150 - 160ml/kg/lần; trẻ sinh thiếu tháng từ 180 - 190ml/kg/lần.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]