Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ cả về thể chất và tinh thần. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Hậu quả của việc trẻ bị xâm hại tình dục
Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ cả về thể chất và tinh thần:
- Về thể chất: Trẻ có thể bị rách âm đạo, rách trực tràng, tổn thương bộ phận sinh dục, lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Nghiêm trọng hơn, việc bị lạm dụng tình dục có thể dẫn đến hiếm muộn ở trẻ đang ở tuổi dậy thì.
- Về tinh thần: Trẻ có thể bị rối loạn về hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn. Tùy vào mức độ, hoàn cảnh của lạm dụng tình dục và lứa tuổi của trẻ mà trẻ có sẽ bị rối loạn giấc ngủ, chán ăn, cảm thấy mặc cảm và tội lỗi, lo lắng và sợ hãi trước người khác giới hoặc những vấn đề liên quan đến tình dục. Hoặc trẻ cũng có thể giảm khả năng tập trung học tập, thu mình, xa lánh mọi người, tính cách hay thay đổi, cọc cằn,…
Đồng thời, trẻ cũng có thể biểu hiện những hành vi tình dục không đúng mực. Tuy nhiên, hậu quả xấu nhất là “vết thương” này có thể kéo dài nhiều năm sau này khiến trẻ sẽ gặp khó khăn trong đời sống tình dục khi trưởng thành.
Dưới đây là 3 quy tắc sẽ giúp bảo vệ công chúa nhỏ của bạn tránh bị xâm hại tình dục:
1. Quy tắc 3 vòng tròn
Đây là quy tắc dạy theo phương pháp trực quan sẽ giúp bé nhận thức nhanh hơn. (Nguồn Internet)
Đây là quy tắc dạy theo phương pháp trực quan sẽ giúp bé nhận thức nhanh hơn. Đồng thời giúp mẹ dễ dàng truyền đạt đến con những kiến thức về giới tính, để giúp bé có được những kỹ năng cần thiết bảo vệ cơ thể, tránh bị xâm hại tình dục.
Trước hết, bạn nên giới thiệu cho bé về vòng tròn gồm có 3 màu được sắp xếp theo thứ tự từ trong ra ngoài xanh, vàng và đỏ. Sau đó, mẹ sẽ chỉ cho con thấy những ý nghĩa của từng vòng tròn tương ứng với 3 màu.
Theo đó, bên trong vòng màu xanh ở chính giữa là bố mẹ đẻ. Đó là những người chăm sóc dạy dỗ con, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của con, trừ khu vực đồ lót.
Phần giữa vòng mầu xanh và vàng là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em…. Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.
Giữa vòng vàng và đỏ là những người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ….) con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Còn tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể.
Bên ngoài vòng mầu đỏ là người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì chạy trốn.
2. Quy tắc quần lót (“PANTS rules” của tổ chức NSPCC - Một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Quy tắc quần lót (PANTS rules) là một phương pháp trực quan sinh động, chân thực sẽ giúp bé nắm bắt và hiểu vấn đề nhanh hơn.
Quy tắc “quần lót” – PANTS rules gồm có 5 bước:
P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
3. Quy tắc phản đối – bỏ đi – kể lại
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ kể lại những hành vi hơi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu nguy cơ cho con. (Nguồn Internet)
Quy tắc này sẽ trang bị cho con những kỹ năng xử lý tình huống nếu bé gặp phải những tên biến thái hòng làm hại bé bằng những chiêu thức đánh vào tâm lý của trẻ thơ như quà, bánh, đồ chơi,…
Trước hết, bạn nên cho con biết rằng trên cơ thể bé có những điểm kín đáo mà không ai được phép đụng chạm vào, trừ người thân khi làm vệ sinh cho bé. Nếu có ai chạm vào, nhất là khi không có người khác bên cạnh, thì đó là hành vi xấu chứ không phải thể hiện tình yêu thương.
Sau đó, bạn nên nói với con rằng, nếu có ai tìm cách đụng chạm vào những nơi nhạy cảm, cần phản đối một cách kiên quyết. Trong những tình huống khẩn cấp, có thể làm bất cứ điều gì để được an toàn như gào to, kêu khóc, cắn... và bỏ đi ngay để thoát thân.
Thông thường những kẻ xâm hại sẽ đe dọa, cho bé tiền, kẹo, đồ chơi hoặc những thứ mà bé thích để dụ dỗ trẻ giữ bí mật cho những hành động xấu của mình. Vì vậy, bạn hãy nói với con rằng nếu sự việc xảy ra thì đó không phải là lỗi của bé, và bé không phải sợ bị kẻ kia làm hại nếu nói ra, bởi đã có bố mẹ bảo vệ, và bởi kẻ làm việc xấu luôn sợ người tốt.
Mẹ nên trang bị cho bé những kiến thức đầy đủ về giới tính để trẻ có thể tự bảo vệ được bản thân trong những trường hợp bị kẻ xấu làm hại. (Nguồn Internet)
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ kể lại những hành vi hơi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu nguy cơ cho con. Muốn vậy, bạn cần phải thực sự gần gũi trẻ, lắng nghe, hỏi chuyện về cuộc sống của con hằng ngày.
Yêu râu xanh thường lựa chọn những em bé nhút nhát, tự ti, ít bạn bè. Vì vậy, để bảo vệ con, bạn cần dạy trẻ biết tự tin, quý trọng bản thân, không quá tôn sùng người lớn, người lớn bảo gì cũng nghe lời...
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]