Thí sinh cân nhắc trước khi đăng ký nguyện vọng bổ sung
Ở các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc, lượng hồ sơ nộp bổ sung đợt 2 của thí sinh chưa nhiều, ở phía Nam, theo thống kê sơ bộ từ những ngày đầu tiên nộp hồ sơ đợt 2 cho thấy thí sinh vẫn chuộng các ngành học Kinh tế.
Thí sinh còn cân nhắc
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính đến 15 giờ ngày 29/8 đã có 160 trường thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Cụ thể gồm 35 trường ĐH phía Bắc, 28 trường ĐH phía Nam, 43 trường CĐ phía Bắc và 53 trường CĐ phía Nam. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT đưa ra (chưa cập nhật số liệu của Đại học Thái Nguyên, khối trường quân đội) … thì tính sơ bộ thì đã có đến gần 200 trường thông báo xét tuyển NV bổ sung với hơn 100.000 chỉ tiêu.
NGƯT.PGS.TS Cao Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết: Trường còn đến hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Từ những ngày đầu nhận hồ sơ đến nay - hàng ngày trường nhận được từ 40 - 50 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nếu những ngày cuối vẫn duy trì tốc độ nộp hồ sơ như thế này, dự kiến trường chỉ có 400 - 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, PGS.TS Cao Văn vẫn hy vọng thí sinh sẽ nộp hồ sơ nhiều vào những ngày cuối vì thực tế nếu các em hiểu thì nếu là thí sinh Phú Thọ hoặc các tỉnh lân cận, việc theo học ở Đại học Hùng Vương sẽ thuận lợi nhiều về đi lại, giá cả sinh hoạt và trường có nhiều ngành học với chất lượng tốt.
Cũng tương tự như vậy Trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương) mỗi ngày cũng chỉ nhận 30 - 40 hồ sơ xét tuyển. Theo ông Đoàn Văn Vững - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, số lượng thí sinh nộp hồ sơ không như vậy là thấp so với chỉ tiêu đợt hai là 2.700 cả hệ ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tôi hy vọng nhiều vì với đợt hai thí sinh không được rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng nên nhiều khả năng thí sinh còn cân nhắc, đây cũng là điều dễ hiểu.
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội xét tuyển nguyện vọng bổ sung 220 chỉ tiêu đại học, nhưng số này là chỉ tiêu đào tạo cho cơ sở tại miền Trung với các ngành Quản lý nhân lực/20 chỉ tiêu; Quản trị văn phòng/30 chỉ tiêu; Quản lý Nhà nước/30 chỉ tiêu; Quản lý văn hóa/40 chỉ tiêu; Lưu trữ học/40 chỉ tiêu; Khoa học thư viện/60 chỉ tiêu, mức điểm xét tuyển từ 15 - 16,50.
Trường cũng tuyển bổ sung trình độ CĐ tại Hà Nội ngành Hành chính học/20 chỉ tiêu; Thư ký văn phòng/30 chỉ tiêu; Dịch vụ pháp lý/30 chỉ tiêu; Tin học ứng dụng/30 chỉ tiêu; Khoa học thư viện/30 chỉ tiêu, các ngành tuyển sinh đều có mức xét tuyển từ 12 điểm. Ở cơ sở Đà Nẵng, bậc cao đẳng cũng tuyển 200 chỉ tiêu chia đều cho các ngành Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Dịch vụ pháp lý, Hành chính học , đều có mức xét tuyển là 12 điểm.
Ngành kinh tế vẫn được ưa chuộng
Theo ghi nhận của một số hội đồng tuyển sinh, cho dù có những cảnh báo về sự bão hòa nhân lực các ngành kinh tế, nhưng trong các đợt xét tuyển, thí sinh vẫn đổ xô vào khối ngành kinh tế, trong khi đó có những ngành học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản thì nhiều thí sinh lại không chú ý mà thực tế là triển vọng việc làm của các ngành này lớn hơn rất nhiều vì đang có nhu cầu nhân lực.
Hiện các trường ĐH, CĐ tại khu vực Hà Nội đợt 1, sức hút từ các trường khối kinh tế là có, còn đợt 2 này chưa có thống kê đầy đủ để đưa ra nhận định, nhưng ở TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh vẫn tiếp tục lựa chọn kinh tế.
Ở nhiều trường như Đại học Sài Gòn, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Hoa Sen... hồ sơ khối ngành kinh tế đang chiếm ưu thế. Như tại Trường Đại học Hoa Sen, trong đợt xét tuyển bổ sung 2 ngày qua, số lượng hồ sơ vẫn nghiêng hẳn về khối ngành kinh tế.
Trong khi chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung của trường là 820, nhưng chỉ đến hết ngày 28/8 đã có khoảng 400 hồ sơ xét tuyển, thí sinh tập trung vào hai ngành marketing và quản trị. Còn Trường Đại học Công nghệ TPHCM, trong số khoảng 700 hồ sơ nhận được ngày đầu tiên, đa phần nộp vào các ngành khối kinh tế, trong khi các ngành kỹ thuật chỉ nhận được 5 - 10 hồ sơ/ngành.
Trường Đại học Văn Lang trong hơn 600 hồ sơ trường này nhận được những ngày qua thì các ngành ngôn ngữ Anh, năng khiếu, khối kinh tế vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn các ngành khoa học cơ bản như kỹ thuật, công nghệ.
Lý giải điều này, Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Văn Lang, cho rằng: Thí sinh lựa chọn nghiêng về ngành kinh tế quá lớn rất đáng lo ngại vì ở thời điểm các bạn ra trường rất có thể gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế.
Lý giải về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho biết: Không chỉ phía Nam mà cả ở phía Bắc, cho dù đã có những cảnh báo về thừa nhân lực các ngành kinh tế những năm qua, nhưng không ít thí sinh vẫn chạy theo một số ngành kinh tế.
Với đợt xét tuyển bổ sung này, lượng hồ sơ chưa nhiều cũng là dễ hiểu vì thí sinh chờ đợi xem những ngành mình thích có nhiều hồ sơ nộp không.
PGS Phương đưa ra lời khuyên, nếu sáng suốt các bạn có thể học nhiều ngành khác chứ không nên chạy theo các ngành kinh tế, cơ hội việc làm lại tốt hơn.
Ông Phương dẫn chứng như các ngành học liên quan đến nội vụ đang rất hấp dẫn thí sinh, đặc biệt là khu vực các tỉnh nông thôn và miền núi trong việc chuẩn hóa nhân lực ngành nội vụ. Tuy nhiên, thí sinh vẫn đang bị chi phối bởi tâm lý nặng về các ngành hot mà chưa lưu tâm đến nhiều ngành khác trong khi thực tế nhu cầu nhân lực ở khu vực này lại đáng kể.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, trường này còn 1.932 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển thứ 2 chiếm gần 30% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh cả năm. Trường đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh (Bắt đầu từ ngày 25/8 - ngày 4/9/2015) vào các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc của ĐHQG Hà Nội. Trong đợt 2 xét tuyển này, thí sinh dự thi đợt 1 vẫn được tham gia xét tuyển nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1, tuy nhiên thí sinh cần lưu ý phải đạt ngưỡng điểm ứng tuyển theo qui định cho từng ngành đào tạo. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]