Trần Văn Sâm với tấm biển "kêu cứu" trên tay
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp Chính phủ chiều 31/8, nhận được thông tin về việc thí sinh Trần Văn Sâm đạt 26,5 điểm nhưng không đỗ ĐH, Bộ trưởng Bộ GIáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ yêu cầu xem xét vụ việc và nhận thí sinh vào học nếu thông tin đúng như báo chí đã nêu.
Quan điểm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là phải hết sức tạo điều kiện cho thí sinh, việc thí sinh không được nhận vào học không phải do lỗi của thí sinh mà là lỗi của Sở Y tế Bình Thuận.
Trước đó, theo thông tin phản ánh của báo chí, khoảng 9 giờ sáng ngày 31/8, tại khu vực cạnh chợ Mũi Né, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thí sinh Trần Văn Sâm ôm trước ngực tấm bảng với nội dung “Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!”. Qua tìm hiểu, được biết thí sinh Sâm (sinh năm 1991, ngụ khu phố 1, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), là thí sinh được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông y đa khoa (Khóa 2015-2019) tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ vào ngày 15/7.
Kết quả, thí sinh Sâm đạt được 26,5 điểm, cao nhất trong số 91 thí sinh mà Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi. Tuy nhiên khi Sâm đến Tường ĐH Y dược Cần Thơ làm thủ tục nhập học thì không có tên mình trong số 22 thí sinh ở Bình Thuận trúng tuyển, mặc dù những người này đều có điểm thấp hơn Sâm. Khi được hỏi, Sở Y tế Bình Thuận cho biết do thí sinh này không phải là viên chức Nhà nước nên bị loại dù có điểm cao nhất (theo thông báo của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Y dược Cần Thơ, với số điểm của Sâm, em còn thừa đến 2,5 điểm nếu đăng ký là thí sinh tự do của Kỳ thi tuyển sinh liên thông năm 2015).
Trước sự việc này, Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gởi Trường ĐH Y dược Cần Thơ xin đính chính lại thông tin của thí sinh Trần Văn Sâm. Theo đó, thí sinh Sâm chỉ là viên chức hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà nước nhưng do khi đăng ký dự thi, phía TP Phan Thiết đã cập nhật nhầm thông tin. Tuy nhiên, khi mang văn bản này và đơn xin chuyển sang diện thí sinh tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ và yêu cầu thí sinh Sâm về khiếu nại với Sở Y tế Bình Thuận.
Theo thông tin trên báo chí, thí sinh Sâm đã tốt nghiệp y sĩ trung cấp, hơn 2 năm nay gần như làm không ăn lương tại Phòng khám Đa khoa Mũi Né. Mặc dù mỗi tháng được phòng khám cho 500.000 đồng và 4-5 tháng mới được thanh toán một lần nhưng Trần Văn Sâm vẫn cố gắng vượt để vừa làm vừa ôn thi. Mơ ước của Trần Văn Sâm là thành bác sĩ giúp bà con ngư dân nghèo Mũi Né, TP Phan Thiết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]