Ở góc độ pháp luật, quy định trong ngành giáo dục về vụ việc trên chỉ là luật “bất thành văn”. Ở góc độ tâm lý, các chuyên gia cho rằng đó đơn thuần chỉ là “tâm lý sợ ảnh hưởng...”.
Ths. Phan Thị Kim Huyền, chuyên gia tâm lý, công ty tư vấn Tâm lý Việt có nhiều phân tích xác đáng xung quanh vấn đề này.
Một hoạt động ngoại khóa của trường THPT Nguyễn Trãi.
Giáo dục luôn phải có tình, có lý
- Xoay quanh quyết định đề nghị cho nữ sinh L.T.N.Q. thôi học của Ban giám hiệu trường Nguyễn Trãi, ở góc độ tâm lý, bà có ý kiến gì?
Đây là một vấn đề tế nhị, thoạt nhìn Ban giám hiệu nhà trường làm như thế với mục đích bảo vệ danh tiếng nhà trường, không làm ảnh hưởng tới thành tích của cả một tập thể ở đây là đúng. Tuy nhiên, cái chưa được ở đây chính là xét về cả tình và lý thì chuyện để em Q. nghỉ học như vậy là không thỏa đáng, đi ngược với định hướng giáo dục.
- Ban đầu, nữ sinh Q. được nhà trường “hội ý” nên bảo lưu kết quả học tập hai năm đầu (lớp 10 và lớp 11) để đảm bảo sức khỏe cho việc sinh con. Nhưng gia đình nữ sinh vẫn xin cho con đi học tiếp để thi tốt nghiệp THPT thì nhà trường cho rằng “Đi học mà mang thai sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu”, đây là một trong các điều kiện không đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp. Tại sao nhà trường lại lý giải như vậy, thưa bà?
Tôi xin nói thẳng rằng: Nhà trường lý giải như trên để “đánh” vào tâm lý học sinh lo sợ về đạo đức, hạnh kiểm mà thôi học.
- Khi nhóm bạn em L.T.N.Q. viết thư gửi lên các cơ quan báo chí nhờ “can thiệp”, sở Giáo dục – Đào tạo Khánh Hòa lập tức gửi công văn tới trường THPT Nguyễn Trãi để khắc phục hậu quả bằng cách mời em Q. đi học trở lại. Với biện pháp “khắc phục” như vậy, liệu em Q. có thể đủ “tinh thần” đi học trở lại không, thưa chuyên gia?
Trước tiên, xin nói về cách xử trí của những người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo, xin được dành một cụm từ “những người có tâm, có tầm” cho họ. Với trường hợp của em Q., rõ ràng thời gian bị kéo vào sự kiện rắc rối này sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của em trong thời gian tới. Điều may mắn là thông qua truyền thông, tôi được biết em đã “rất vui mừng khi được đi học trở lại”, có lẽ em Q. xác định được tầm quan trọng của việc học tập. Tuy nhiên để có thể giúp em vượt qua hết được những ảnh hưởng từ sự việc này chắc còn khá nhiều điều phải làm...
Giáo dục luôn cần phải có tình có lý, tình để học sinh thấu hiểu và lý để học sinh biết giới hạn của bản thân khi chúng ta cùng sống trong một xã hội, phát triển trong một cộng đồng. Cân bằng được hai điều này luôn là cái đích mà xã hội hướng tới. Và chuyện xảy ra với Q. thì không thể đơn giản vấn đề được. Ngoài chuyện làm việc với gia đình và em Q., thiết nghĩ nhà trường cần khéo léo sử dụng câu chuyện này để giáo dục cho những học sinh khác. Nếu không tôi tin rằng sẽ còn xuất hiện thêm những em Q. khác.
“Hy vọng họ sẽ tiếp tục tích cực”
- Trường hợp xảy ra tại trường THPT Nguyễn Trãi bị “vỡ lở” ra dư luận là do nhóm bạn học của em Q. gửi thư đến cơ quan báo chí. Nhưng có nhiều trường hợp khác được “giấu kín” vì nhà trường cũng làm việc “tay trong” và học sinh “sợ” bị lộ chuyện đành im lặng. Vì sao nhà trường và học sinh lại cùng “im lặng” với những luật bất thành văn không có trong ngành giáo dục?
Trong trường hợp của em Q., tôi nghĩ em rất may mắn vì có những người bạn tốt dám nghĩ dám làm việc đấu tranh lẽ đúng giúp bạn. Bây giờ lứa tuổi vị thành niên có cái tôi lớn, nếu cộng thêm sự hiểu biết nữa sẽ bảo vệ được chính bản thân mình, được bạn bè và những người xung quanh. Trường hợp những học sinh tương tự như Q. mà cùng nhà trường và gia đình “im lặng”, thì tôi nghĩ lý do lớn nhất chính là do những học sinh đó coi việc học không phải quan trọng nhất với bản thân, và một phần là “tâm lý sợ tai tiếng...”.
- Các nữ sinh không may mang thai luôn mang trong mình “áp lực” về mặt danh dự. Với trọng trách, vai trò của mình, nhà trường cần làm gì để giúp đỡ học sinh tiếp tục vững tinh thần học tiếp?
Đây là công việc khó nhất, một là nhà trường và giáo viên nên gần gũi động viên nhiều hơn, hai là tích cực phối hợp cùng gia đình giúp học sinh kịp thời điều chỉnh những tình huống đáng tiếc. Và điều thứ ba, quan trọng nhất chính là làm sao khéo léo lấy bài học về những học sinh có “sai lầm” để giáo dục cho các học sinh khác mà tránh được ánh mắt, thái độ kỳ thị cho học sinh. Nhà trường là một nửa môi trường sống của học sinh, vì vậy nếu học sinh chịu áp lực từ bạn bè thầy cô coi như dấu chấm hết cho chuyện học tập.
- Ngành giáo dục có nên đưa quy định cho phép các nữ sinh mang thai tiếp tục đi học vào trường học? Nếu có, tâm lý xã hội sẽ như thế nào?
Học sinh còn đang cắp sách tới trường (hệ giáo dục) mà mang thai là một điều rất khó chấp nhận ở Việt Nam. Việc quy định về vấn đề này là điều cần thiết. Tuy nhiên xin nhấn mạnh rằng việc này cần sự phối hợp của nhiều cấp ngành trong toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục đi đầu và nhận trách nhiệm chính.
Tiếp đó, việc giáo dục sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản, ý thức về tương lai, giúp học sinh trau dồi kỹ năng sống thực tiễn. Có như thế mới giải quyết được gốc rễ vấn đề, xin nhắc lại là giáo dục thực tiễn mới hiệu quả. Nếu không phối hợp tốt sẽ gây ảnh hưởng tâm lý xấu trong xã hội, tạo ra lối sống “mở” tiêu cực cho học sinh nữ.
- Bà có tán thành việc “thực hiện tốt chuẩn mực sư phạm” của trường Nguyễn Trãi?
Về cách xử lý của trường Nguyễn Trãi, tôi chưa thực sự đồng tình. Rất may, trước mắt, họ đã nhanh chóng khắc phục sự việc. Và hy vọng họ sẽ tiếp tục tích cực, tỉnh táo giúp Q. vượt qua giai đoạn khó khăn này mà vẫn không làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường, không làm ảnh hưởng tới danh tiếng của ngành Giáo dục - Đào tạo.
Theo Huệ Trần (Thực hiện) - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]