Mặc dù đã đạt được một số hiệu quả, nhưng việc sử dụng các phương tiện trực quan trong hoạt động dạy học vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Những phương tiện trực quan nêu trên chỉ mang lại hứng thú ban đầu, tức thời (ví dụ: xem tranh ảnh, nghe băng đĩa) chứ chưa phát hiệu quả cao việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh.
Hơn nữa, do kỹ năng lựa chọn, sử dụng phương tiện trực quan của giáo viên nhiều lúc có tính áp đặt, hình thức, đối phó nên tác dụng toàn diện chưa được khai thác.
Sử dụng phương pháp trực quan trong dạy đọc hiểu
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp trực quan trong dạy đọc hiểu, cô Nguyễn Thị Linh cho biết: Giờ đọc hiểu văn bản có thể giảng trên lớp hay thông qua giáo án điện tử. Vì vậy, có thể sử dụng các đoạn phim, tranh ảnh, chân dung liên quan đến tác giả, tác phẩm.
Dạy đọc hiểu “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm (Văn học lớp 12), giáo viên giúp học sinh nhận thức, hiểu rõ hơn những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm qua các đoạn phim, ảnh về văn học dân gian, các danh lam, thắng cảnh đất nước được nhắc đến trong tác phẩm.
Các hình ảnh trực quan đó không những giúp các em hiểu sâu sắc thêm tác phẩm, mà còn tạo hứng thú học tập cho các em, làm cho giờ văn trở nên sinh động, có tác dụng tốt trong việc cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng cảm thụ đồng thời giáo dục tình yêu quê hương đất nước giúp các em hoàn thiện nhân cách.
Điều quan trọng là phải chủ động trong việc sử dụng (đề phòng những trục trặc do phương tiện đưa lại), không biến giờ đọc hiểu thành giờ xem phim hoặc thuyết trình về tranh ảnh.
Trong một số trường hợp, trực quan trong giờ đọc hiểu văn bản, có thể sử dụng các hình thức diễn xương của văn bản, cho học sinh làm hoạt cảnh, nhập vai để tái hiện lại văn bản, đọc diễn cảm (ngâm thơ, đọc hịch, thể hiện ngôn ngữ kịch,...).
Sử dụng phương pháp trực quan trong dạy học tiếng Việt
Lâu nay, nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy học tiếng Việt không cần sử dụng đồ dùng dạy học vì đây là môn lý thuyết.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Linh khẳng định, trên thực tế, phương tiện trực quan lại có vai trò quan trọng đối với việc cung cấp, hệ thống những tri thức về hệ thống tiếng Việt, rèn luyện những kỹ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh, giáo dục quan điểm thẩm mỹ trong hoạt động nói năng, giao tiếp..
Việc sử dụng phương tiện trực trong dạy học tiếng Việt được thực hiện ở mức độ, tính chất khác nhau, từ việc sử dụng bảng biểu, mô hình trên bảng để trực quan hóa cấu trúc, chức năng của các đơn vị tiếng Việt, đến việc sử dụng các phương tiện ghi âm, phim ảnh để chuẩn hóa phát âm, ngữ điệu và các yếu tố trong một hoạt động giao tiếp của học sinh.
Ví dụ, trong bài “Những yêu cầu sử dụng Tiếng việt” (Ngữ văn 10) học sinh rất vất vả khi tiếp thu phần chữa lỗi về ngữ pháp, vì có cấu trúc phức tạp.
Giáo viên cần sử dụng các sơ đồ về cấu trúc câu, để sơ đồ hóa các quan hệ thứ bậc, tầng lớp của cấu trúc câu, giúp học sinh nhận diện được các thành phần của câu, chức năng của mỗi thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần đó.
Sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học Tập làm văn
Tập làm văn là phân môn rèn luyện kĩ năng viết văn nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học) có thể sử dụng phương tiện trực quan để giúp học sinh nhận thức được các yêu cầu cấu trúc, bố cục về nội dung và hình thức, cũng như mối quan hệ giữa các đoạn, các nội dung trong một văn bản nghị luận.
Hiện nay nghị luận xã hội thường chú ý đến các vấn đề thời sự - xã hội, nên giáo viên có thể sử dụng các tài liệu, hình ảnh, phim, các trang mạng có nội dung liên quan để tác động vào nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của học sinh, phát huy tính tích cực, sáng tạo và hứng thú bày tỏ quan điểm, thái độ của bản thân trước một vấn đề xã hội hay văn học.
Ví dụ, dạy bài “Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh”, “Tóm tắt văn bản thuyết minh” (Ngữ văn 10), giáo viên có thể sưu tầm, chọn lựa, phân tích một số tài liệu, tranh ảnh, các đoạn video, clip liên quan đến vấn đề, giúp các em có thêm nguồn tư liệu phục vụ cho việc tạo lập các văn bản nghị luận.
Sử dụng bản đồ tư duy
Cô Nguyễn Thị Linh cho rằng, bản đồ tư duy có tác dụng rất lớn trong trong dạy học môn Ngữ văn vì có khả năng hàm chứa và truyền thụ được những tri thức và kỹ năng môn học.
Với tính chất trực quan bằng hình vẽ, đường nét, màu sắc…, bản đồ tư duy có tác động tốt đến nhận thức trực quan của học sinh và kích thích hứng thú học tập của học sinh, không thấy nhàm chán vì bài học dài dòng mà luôn sôi nổi, hào hứng với bài học.
Việc sử dụng bản đồ tư duy cũng phù hợp với trình độ giáo viên và điều kiện của các trường phổ thông hiện nay.
Cùng với bản đồ tư duy, sử dụng bài giảng điện tử với những phần mềm chuyên dụng trong nhà trường phổ thông, những hình ảnh, âm thanh sinh động làm cho người học dễ dàng tiếp thu, khắc sâu kiến thức và tăng hứng thú học tập.
Qua bài giảng điện tử, giáo viên có nhiều thời lượng để đặt các câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động nhiều hơn trong giờ học.
Vấn đề quan trọng là phải biết sự dụng bản đồ tư duy hay bài giảng điện tử một cách hợp lý, không biến một tác phẩm văn học với những đặc riêng của nó thành một vật có thể đưa ra trưng diện, trình bày như một vật thể vật chất nào đó.
Sử dụng phương tiện trực quan trong ôn tập, kiểm tra
Theo cô Nguyễn Thị Linh, phương tiện trực quan (bảng biểu, sơ đồ, hình vẽ, bản đồ tư duy,...) giúp học sinh tự lập dàn ý nhớ toàn bộ cốt lõi bài học mà không sa vào chi tiết, học vẹt, như vừa học vừa chơi, thoải mái, không áp lực.
Yêu cầu hệ thống hóa bài học cuối mỗi tiết bằng cách vẽ một sơ đồ hay một bản đồ tư duy có tác dụng rèn luyện kỹ năng trình bày, đánh giá, tổng kết, thu nhận bài học theo cách hiểu của mình, không phụ thuộc vào giáo viên và sách giáo khoa.
Lưu ý sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học Ngữ văn
Khi sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Linh cho rằng cần phải chú một số vấn đề có tính nguyên tắc.
Đó là, phương tiện trực quan được sử dụng phải đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, phù hợp mục tiêu cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, giáo dục nhân cách trong mỗi giờ dạy học môn Ngữ văn.
Việc sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học môn Ngữ văn phải đảm bảo đặc trưng của môn học, phải đảm bảo tính kinh tế và khả thi, không nhất thiết giờ dạy học nào cũng lựa chọn, thiết kế, sử dụng phương tiện trực quan.
Nếu sử dụng phương tiện trực quan không hợp lý sẽ làm cho bài học trở nên gượng ép, mất thời gian, phân tán sự chú của học sinh và làm giảm chất lượng, hiệu quả của giờ học.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]