Tham gia buổi Giao lưu trực tuyến “gặp nhau cuối năm ” do báo Tuổi trẻ tổ chức, PGS Văn Như Cương đã có những chia sẻ, nhận định tâm huyết về ngành giáo dục Việt Nam.
Những ngày cuối năm, ngành giáo dục có nhiều scandal khiến dư luận phát sốt: liên tiếp các vụ bảo mẫu hành hạ trẻ tàn độc bị phanh phui, hàng loạt vụ thầy, cô giáo bạo hành học trò bị tố cáo và gần đây nhất là cái chết thương tâm của 7 em học sinh khi tắm biển Cần Giờ. Tham gia giao lưu trực tuyến với PGS Văn Như Cương, người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, các bạn đọc đã được nghe những đánh giá, nhìn nhận sâu sắc của thầy.
Giáo dục nước ta cứ loay hoay mãi đó là vì giáo dục ngại đổi mới, không muốn đổi mới, không biết cách đổi mới, PGS Văn Như Cương nói
“Giáo dục nước ta cứ loay hoay mãi đó là vì giáo dục ngại đổi mới, không muốn đổi mới, không biết cách đổi mới", PGS Văn Như Cương nói (Ảnh: TT)
“Một người thợ tồi chỉ làm hư đôi giày, một bác sĩ tồi chỉ làm chết một người, một thầy giáo tồi làm hư cả thế hệ”, nói về điều này, PGS Văn Như Cương đồng tình: “Việc đổi mới căn bản, toàn diện của chúng ta không chỉ bắt đầu từ trên dội xuống, mà còn phải bắt đầu từ tấm lòng của mỗi thầy cô giáo, ở mỗi cấp học trên cả nước. Chúng ta cần có một thế hệ nhà giáo hết lòng vì học sinh. Tôi hi vọng những người thầy, cô giáo như vậy ngày càng nhiều. Và những thầy giáo tồi như bạn nói càng ngày càng ít đi.”
Rất nhiều người cho rằng việc đổi mới giáo dục phải bắt đầu ngay từ những ngôi trường sư phạm, đào tạo giáo viên. PGS Cương nói: “Trong đề án đổi mới giáo dục lần này đã chú trọng đến vấn đề đổi mới các trường sư phạm, điều đó là đúng. Chúng ta phải bắt đầu từ người thầy, thầy phải biết đổi mới cái gì, đổi mới thế nào… Không chỉ thầy giáo tương lai mà cả thầy giáo đang đứng lớp cũng phải được đào tạo thích hợp”. Hiện nay, Việt Nam đã có HV Quản lý giáo dục, chuyên đào tạo ra những người quản lý cấp hiệu trưởng, tức là chúng ta đã chú ý đến việc đào tạo cán bộ quản lý.
Bên cạnh việc đổi mới từ người thầy, hệ thống quản lý, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Cần giảm lượng kiến thức, môn học không cần thiết trong chương trình phổ thông. Chỉ dạy học những gì cần thiết, không dạy những thứ phù phiếm, vô bổ, tăng cường rèn luyện kỹ năng, tăng cường giáo dục để “làm người”… “Tôi nghĩ đối với giáo dục nên đề cao khẩu hiệu “dạy thật, học thật”. Bởi chỉ có vậy thì việc chạy theo thành tích mới không còn đất tồn tại, xẽ loại bỏ được thói “dạy giả, học giả”, “dạy dối, học dối”.
Trong buổi giao lưu, PGS Cương cũng chia sẻ suy nghĩ rất thật về vấn đề tham nhũng và lãng phí trong giáo dục. “Lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Lãng phí thể hiện ở nhiều dự án, tiêu tốn nhiều tiền nhưng không đi đến kết quả là bao nhiêu, đi nước ngoài quá nhiều cũng chỉ để “chơi”. Họp hành quá nhiều, rồi các phong trào kiểu hình thức cũng quá nhiều, thi đua, bình bầu khen thưởng quá nhiều… Theo tôi, đó là những lãng phí mà nếu ta tiết kiệm, làm tốt thì sẽ có dư tiền phục vụ việc dạy học”.
Ngành giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đổi mới nhưng đều chưa đến nơi đến chốn. “Giáo dục nước ta cứ loay hoay mãi đó là vì giáo dục ngại đổi mới, không muốn đổi mới, không biết cách đổi mới. Do đó, bao nhiêu năm giáo dục năm im một chõ, không chuyển động, nhúc nhích. Tất nhiên, nằm im một chỗ sẽ bị bại liệt”, PGS Cương khẳng định.
Theo Bảo Linh (TH) - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]