Cụ thể, theo lãnh đạo Sở GD ĐT, năm học 2017 - 2018, dự kiến mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 30.000 đồng/tháng so với năm học 2016 - 2017 là 80.000 đồng/tháng/học sinh); khu nông thôn mức thu là 55.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 15.000 đồng/tháng so với năm học 2016 - 2017 là 40.000 đồng/tháng/học sinh); miền núi mức thu là 14.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 4.000 đồng so với năm học 2016 - 2017 là 10.000 đồng/tháng/học sinh).
Học phí tăng phải đồng nghĩa với chất lượng giáo dục tăng, cơ sở vật chất trường lớp được cải thiện, đó là mong muốn của phụ huynh (minh họa: IT)
Giải thích về việc tăng học phí, Sở GD ĐT Hà Nội cho biết, mức tăng học phí là theo lộ trình chứ không hề tăng đột ngột. Theo đó, đến năm học 2020-2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.
Theo nhiều phụ huynh ở Hà Nội, mức tăng học phí như dự kiến của Sở GD ĐT không ảnh hưởng nhiều kinh tế đa số gia đình, tuy nhiên, cái mà họ quan tâm là đằng sau mức tăng học phí này, con họ sẽ được gì?
Anh Nguyễn Anh Quân (Đông Ngạc - Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết, năm nào phụ huynh cũng phải đóng góp rất nhiều khoản… xã hội hóa để xây dựng trường sở, mua đồ đạc trong lớp học. “Nếu học phí tăng, liệu học sinh có được thụ hưởng cơ sở vật chất tốt hơn không? phụ huynh có giảm được các mục phụ phí xã hội hóa không? Các con có phải điên cuồng học thêm ở các trung tâm nữa hay không?” – anh Quân đặt câu hỏi?
Trong khi đó, chị Hoàng Thị Liên (Quan Hoa – Cầu Giấy – Hà Nội) thì cho rằng, việc tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng giảng dạy, tăng chất lượng giáo viên: “Học phí thì cứ tăng đều đều và có lộ trình nhưng chương trình dạy thì không cải tiến nhiều. Nhiều trường, các môn học cần hỗ trợ đến phòng đọc, phòng thí nghiệm, bể bơi, sân bóng… nhưng do sĩ số quá đông mà học sinh không được tiếp cận nhiều. Học phí tăng đến đâu thì hãy cho phụ huynh thấy chất lượng tăng đến đó mới thuyết phục được”
Phụ huynh Nguyễn Châu Giang (Long Biên – Hà Nội) thì cho rằng, hiện rất nhiều trường công lập trên địa bàn thành phố từ cấp mầm non đến THPT đều trong tình trạng quá tải. “Tâm lý đa số phụ huynh vẫn “chuộng” trường công là bởi vì mức học phí thấp. Nếu học phí tiếp tục tăng đều và “cán đích” với nhiều trường dân lập, trong khi trường sở không được cải thiện, học sinh vẫn bị nhồi nhét, thì trường công chắc chắn sẽ không còn là sự lựa chọn ưu tiên của phụ huynh trong tương lai nữa” – chi Giang nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]