UBND Hà Nội vừa gửi tờ trình lên HĐND thành phố về việc điều chỉnh mức trần học phí và cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn. Mức trần học phí được đề xuất áp dụng từ ngày 1/1/2017 cho năm học 2016-2017 đến hết năm 2019-2010, tăng lũy tiến mỗi năm 400.000 đồng.
Cụ thể, với trường mầm non và tiểu học, mức trần đề xuất năm học 2016-2017 là 3,9 triệu đồng/học sinh/tháng; trường THCS và THPT là 4,1 triệu đồng. Học phí này bao gồm chi phí cho hoạt động như các trường công lập đại trà và chi phí cho chương trình chất lượng cao.
Mức trần tăng học phí của trường công lập chất lượng cao được đề xuất áp dụng từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2019-2020, được điều chỉnh từ năm học 2020-2021.
Hiện 13 trường chất lượng cao (5 trường ngoài công lập) của thủ đô có mức thu học phí bình quân năm học 2016-2017 là 2,4 triệu đồng/học sinh/tháng với khối mầm non; 2,1 triệu đồng trường tiểu học; THCS là 2 triệu; THPT là 3,4 triệu đồng. 5 trường công lập thí điểm chất lượng cao thu bình quân 1,7 triệu đồng một học sinh một tháng.
Cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được đề xuất nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận, sau đó giảm dần. Năm đầu tiên nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên theo định mức như các cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học giảng dạy theo chương trình giáo dục đại trà. Năm thứ hai và ba kinh phí cấp để chi tiền lương, các khoản phụ cấp, đóng góp theo mức lương cơ sở hiện hành cho số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kết thúc năm thứ ba, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Đề xuất tăng học phí nhằm tạo điều kiện cho các trường những năm đầu được công nhận chất lượng cao tập trung cho việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và có mức học phí không gây đột biến với phụ huynh. Lộ trình 3 năm cũng để trường có thời gian chuẩn bị tâm thế, sắp xếp bộ máy và nguồn lực tài chính để tiến tới tự chủ nhân sự, đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.
Những năm trước, các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao nhận ngân sách hỗ trợ một lần vào đầu năm thực hiện chuyển đổi, từ năm thứ hai trở đi phải tự chủ về thu chi tài chính, nên gặp khó khăn. Sau một năm được công nhận, nhiều trường chưa đủ thời gian để khẳng định chất lượng, thương hiệu để phụ huynh tin tưởng đóng mức học phí cao.
"Mô hình trường chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa... Để mô hình phát triển ổn định, bền vững, tạo điều kiện để cơ sở được tự chủ, cần có quy định cụ thể về cơ chế tự chủ nhân sự", UBND Hà Nội đánh giá. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đầu tư thêm 20 trường công lập chất lượng cao.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]