"Nếu là học sinh, tôi cũng chán"
Trước hiện tượng hàng trăm em học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) xé đề cương ôn thi môn Sử, GS Phan Huy Lê cho biết: “Khi biết kỳ thi tốt nghiệp năm nay không có môn Sử, các em vui mừng, phấn khởi, hò hét, xé và tung đề cương ôn môn Sử trắng sân trường. Với cương vị là một nhà giáo, một nhà sử học, tôi rất buồn.
Lý giải về hiện tượng học sinh không thích học Sử, GS Phan Huy Lê cho rằng: "Đối với tình hình dạy và học trong nhà trường hiện nay, kể cả SGK, vị thế môn Sử, thì việc các em chán Sử là tất yếu".
"Thẳng thắn mà nói, nếu là học sinh thì tôi cũng chán môn Sử như các em. Bởi môn Sử đáng ra rất hấp dẫn lại trở thành môn học chán ngắt, SGK nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra những phân tích và khái quát chung chung, trừu tượng. Có thể nói, SGK bậc phổ thông hiện nay chẳng khác gì là tóm tắt sách người lớn rồi bắt trẻ con phải học. Dạy Sử và học Sử như thế thì trẻ em chán là phải".
"Trường công mọc như... siêu nấm"
Trước thực trạng trường tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập ngày càng èo uột và đặc biệt là điều kiện "siết chặt" tuyển sinh của Bộ đối với các trường. Theo TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, không chỉ năm 2012 mà năm 2013 bức tranh tuyển sinh có thể còn bi đát hơn, khó khăn gấp bội vì rất khó có nguồn tuyển. Lâu nay, báo chí nhắc nhiều đến tình trạng các trường đại học được mở ra ồ ạt "như nấm mọc sau mưa", kéo theo chất lượng đào tạo đại học giảm sút thê thảm do chất lượng không chạy kịp với số lượng.
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Nguyễn Trường Tùng
Một số ý kiến cho rằng đó là do các trường tư (ngoài công lập) mở ra quá nhiều. Thế nhưng, những số liệu được TS Lê Trường Tùng nêu ra đã chứng minh điều ngược lại: Con số thống kê cho thấy trong 10 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng thêm 59 trường, vẫn trong ngần ấy thời gian số lượng các trường ĐH, CĐ công lập đã là 158 trường. Như vậy mỗi 1 trường ngoài công lập được mở ra thì có khoảng 2,68 trường công lập ra đời. Từ đó TS Tùng ví von các trường ĐH, CĐ công mọc như "siêu nấm". Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, ngôi trường ngoài công lập đang có sức hút rất lớn nhờ phong cách đào tạo hiện đại tiệm cận các mô hình tiên tiến của thế giới, khẳng định như vậy.
"Chỉ cần học đến lớp 9 là đủ"
Tháng 3 năm nay, clip mang tên “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” dài hơn 1 tiếng do một nam sinh lớp 12 với biệt danh "kẻ lười biếng" thực hiện.
Kẻ lười biếng với phát ngôn gây sốc
Phát ngôn “gây sốc” nhất của nam sinh với biệt danh "kẻ lười biếng" là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”, bởi theo cậu, ở tuổi 14 - 15, nhiều người đã biết xác định được khả năng và lối đi riêng cho mình. Cậu khẳng định không nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT. Vậy mà học sinh lại phải đáp ứng bài tập, bài học của hơn một chục môn học.Bài thuyết trình nêu ra nhiều bất cập của giáo dục hiện tại, nhận được nhiều đồng tình của những người đã từng trải qua thời kỳ làm học sinh hay công tác trong ngành giáo dục.
Ngay quan điểm "học đến lớp 9" của "kẻ lười biếng" cũng đặt ra một vấn đề thời sự của đổi mới giáo dục, đó là "cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông": 9, 11 hay 12 năm là đủ.
Theo H.Minh (tổng hợp) - Tinmoi.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]