(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
Bài toán về nhóm, lớp mầm non không phép vì thế càng trở nên nan giải.
Đó là thực trạng được các nhà giáo dục cũng như lãnh đạo các địa phương nêu rõ tại Hội thảo Quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 6/3/2014, tại Hà Nội.
Hàng nghìn nhóm trẻ không phép
Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, tại các địa phương này hiện có gần 16.400 nhóm lớp độc lập tư thục, trong đó có tới 5.600 nhóm trẻ chưa được cấp phép, chiếm khoảng 34%.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chưa được cấp phép là các nhóm trẻ này chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên…
Theo bà Trương Thị Phương Dung, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, toàn thành phố có 926 nhóm lớp tư thục độc lập, trong đó có 560 nhóm chưa được cấp phép, chiếm tỷ lệ trên 60%.
Đa số các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo này đều nhỏ lẻ, tự phát, không thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc giáo dục trẻ theo yêu cầu, việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng còn tùy tiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các nhóm lớp tự phát không phép phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu.
Diện tích phòng học chật chội, công trình vệ sinh không phù hợp cho trẻ, khu chế biến thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Phần lớn người trông trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non, là những ông bà già, những phụ nữ không có việc làm nên trông giữ từ 3 đến 20 trẻ.
“Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn,” bà Dung nói.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cũng cho thấy, toàn tỉnh có trên 1.253 nhóm, lớp độc lập tư thục với hơn 7.800 trẻ. Tổng số lực lượng giáo viên là trên 1.300 người, nhưng chỉ có 180 người có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn là 14%.
(Sân chơi cho trẻ là nơi hiếm thấy ở các nhóm, lớp mầm non tư thục. Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Tuy nhiên, cũng tại Hội thảo sáng nay, bà Phan Thị Thanh Hảo, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương chia sẻ việc bồi dưỡng với chủ lớp mầm non tư thục rất khó khăn. “Không thể điều động họ mà phải mời, đi học phải phát tài liệu miễn phí và thậm chí có cả tiền hỗ trợ, phải tổ chức vào ngày nghỉ vì họ bận. Nhưng họ vẫn không đi học đều. Chúng tôi phải áp dụng cách tích ngày, đủ thời gian để cấp giấy chứng nhận,” bà Hảo nói.
Với việc tổ chức dạy bồi dưỡng và thái độ của người học như trên có thể thấy khó đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đóng cửa, trẻ học ở đâu?
Khẳng định các nhóm, lớp mầm non độc lập chưa được cấp phép là một nguy cơ lớn và không đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng lãnh đạo các địa phương cũng phải thừa nhận một thực tế là nếu đóng cửa các nhóm lớp này, họ cũng không tìm được chỗ học cho trẻ.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, cho biết nếu đóng cửa các trường này thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ vì các trường công không đủ đáp ứng nhu cầu. Cơ sở vật chất bậc học mầm non luôn phải chịu áp lực rất lớn.
Đưa dẫn chứng thực tế, bà Hà cho biết, toàn thị xã Từ Sơn có 20 trường mầm non nhưng Từ Sơn vẫn luôn là đơn vị có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp nhất tỉnh. Nguyên nhân do các trường công lập không đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt là ở độ tuổi nhà trẻ, không đáp ứng được nhu cầu gửi con ngoài giờ. Sỹ số ở các nhóm lớp quá đông, luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì thế nhu cầu gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ngày càng cao.
“Hiện tại, thị xã Từ Sơn có 38 nhóm trẻ tư thục, huy động được trên 1.000 trẻ , nhưng chỉ có 13 cơ sở được cấp phép,” bà Hà cho biết.
Những hình ảnh bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non Phương Anh, TP. HCM, gây chấn động cả nước. (Ảnh chụp màn hình)
Cùng vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Hảo cho rằng: “Đình chỉ một nhóm lớp độc lập không giống như phá một cái nhà trái phép hay cơi nới, vì đó là nhu cầu có thật của người dân.”
Đưa ra một con số tổng quát hơn và đáng… giật mình hơn, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì hiện cả cơ sở công lập và ngoài công lập cũng chỉ huy động được 23% trẻ dưới 36 tháng tuổi đến lớp. Ngay cả Hà Nội là địa phương cực kỳ cố gắng với nhiều biện pháp đầu tư nhưng cũng chỉ thu hút vào nhà trẻ được 29,5%.
“Vậy 70% còn lại, quyền học tập của các em, các em học ở đâu? Có phải do gia đình các em có điều kiện thuê người nhà hay họ thấy các điểm trẻ nhỏ không đủ điều kiện an toàn để gửi. Hết 6 tháng sau sinh nở, người mẹ phải đi làm nhưng có yên tâm để gửi con không? Với nhóm trẻ không được cấp phép, chỉ có câu trả lời là giải tán thì trẻ đi đâu? Bài toán này phải có sự vào cuộc địa phương, mình ngành giáo dục không giải được,” bà Minh nói.
Trong khi các nhà quản lý, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề này thì thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt vụ bạo hành trẻ, cũng như những sự cố thương tâm ở các cơ sở mầm non không phép, không đảm bảo chất lượng. Tiêu biểu gần đây có thể kể đến vụ bé 12 tháng tuổi chết vì bị sặc cháo ở cơ sở mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (quận Long Biên, Hà Nội, bé 18 tháng tuổi ở quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) bị bảo mẫu đạp dẫn đến tử vong, vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Phương Anh, cũng thuộc quận Thủ Đức…
Và trong thời gian chờ sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, những trẻ em vốn không có khả năng tự vệ vẫn có thể đối mặt với nguy hiểm, không được hưởng quyền lợi trẻ em chính đáng, cơ bản là được đi học và được chăm sóc. Còn các ông bố bà mẹ vẫn không thể yên tâm làm việc khi buộc lòng gửi con ở cơ sở ngoài công lập./.
Theo Phạm Mai - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]