Một giờ học văn theo hướng phát triển năng lực học sinh, buộc giáo viên cũng phải đổi mới cách dạy
Chưa phổ biến xong đã nói… không làm được
Giáo viên (GV) sẽ là những người đầu tiên trực tiếp truyền đạt tới học sinh (HS) những đổi mới trong các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều GV tỏ ra chán nản, mệt mỏi khi nhận được những chủ trương đổi mới.
Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Văn, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Khi nhận được chủ trương từ trên xuống chúng tôi thường họp hội đồng, phổ biến trước tới các GV. Với những mô hình phức tạp còn tổ chức tập huấn. Tuy nhiên, khi thực hiện gặp phải rào cản là một bộ phận GV tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng có đổi mới hay không cũng không thay đổi nhiều trong cách giáo dục”.
Bà Liên nói: “Mặc dù học theo kiểu tích hợp đã được áp dụng mấy năm nay, thế nhưng tới giờ nhiều HS vẫn rất mơ hồ về việc này. Hầu hết học sinh trông chờ vào sự hướng dẫn của GV nhưng GV lại tỏ ra khá thờ ơ, vẫn duy trì cách dạy và yêu cầu cũ. Từ đó dẫn đến chuyện “bình mới nhưng rượu cũ” làm tốn công sức, tiền bạc mà hiệu quả không tới đâu”. Bà Liên dẫn chứng thêm: “Khi chúng tôi tổ chức cho HS học tích hợp liên môn theo chủ đề ngoài nhà trường thì nhiều GV phẩy tay, khăng khăng là không thể thực hiện vì thấy không khả thi, viển vông… Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm làm và kết quả cho thấy cách tổ chức này giúp các em tiếp cận vấn đề rất tốt”.
Động viên để đồng hành Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1 cho rằng bộ phận GV bảo thủ rơi vào những người có nhiều năm kinh nghiệm, tuổi nghề tuổi đời đều đã lớn. Ngoài những điểm yếu thì họ có điểm mạnh riêng. Chính vì thế, để thay đổi tư tưởng của họ thì “Thay vì ra mệnh lệnh để họ phải làm theo thì trường nên tạo điều kiện động viên để họ chịu đồng hành”, vị này nói. Bà Hoàng Thị Minh Liên cũng cho rằng nên giao cho GV các việc cụ thể, có sự kết hợp giữa những người năng nổ và những người bảo thủ. Khi tham gia, nhìn thấy những thay đổi từ thực tế sẽ khiến GV thay đổi dần cách làm lẫn suy nghĩ. |
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1, TP.HCM, cho biết: “Ngay việc áp dụng công nghệ thông tin đã hô hào nhiều năm nay nhưng nhiều GV vẫn coi như không có”.
Thiếu niềm tin vào những đổi mới
Nói về việc GV thờ ơ với những mô hình mới, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, cho rằng nhiều GV không chịu đổi mới không hoàn toàn do chưa đủ khả năng chuyên môn hay sức ì lớn, mà là do mất niềm tin vào sự đột phá của các mô hình giáo dục.
“Trong 5 năm trở lại đây chúng tôi liên tục chứng kiến những mô hình mới của ngành giáo dục đi lệch hướng nên không mang lại hiệu quả thật sự. Từ đó tôi và nhiều đồng nghiệp khác không thể không hoài nghi về tính hiệu quả của các chủ trương này. Chúng tôi thường đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả mà mô hình đó mang lại và HS sẽ được gì từ mô hình đó”, một GV ở TP.HCM cho biết.
Một GV khác tâm sự: “Là GV nhưng trước tiên chúng tôi cũng là một phụ huynh. Cũng nôn nao, háo hức với hy vọng rằng con mình sẽ được hưởng những điều tốt hơn khi thấy bắt đầu áp dụng các chính sách giáo dục mới. Nhưng chúng tôi cũng nhiều lần chứng kiến sự lệch hướng và thiếu thực tế của những thay đổi này”. Vì thế mà theo các GV, họ không mấy tin tưởng trước một số chủ trương thay đổi của ngành giáo dục nên không mặn mà nhập cuộc.
Chính vì vậy mà có một thực tế mặc dù biết thông tin tới năm 2018 thay sách giáo khoa nhưng nhiều GV vẫn chưa chuẩn bị gì cho sự thay đổi này. “Chúng tôi cũng rất hoang mang không biết từ nay tới lúc đó có thay đổi gì nữa. Biết đâu khi vừa tập huấn xong thì lại điều chỉnh và biết đâu chả đi chệch với chủ trương ban đầu. Khi đó chúng tôi phải tập huấn lại và bắt đầu lại”, một GV nhận định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]