Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2016, học viện này từng gây xôn xao khi "sản xuất được 350 tiến sĩ" mỗi năm.
Bằng Chính sách công được dự thi ngành Kinh tế quốc tế
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh trình độ tiến sĩ có nội dung về điều kiện dự tuyển không đúng quy định tại khoản 1 điều 8 Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ.
Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa bị phát hiện hàng loạt sai phạm trong đào tạo. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, người có bằng thạc sĩ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Quản lý Khoa học và Công nghệ được dự tuyển cả 4 chuyên ngành Luật (Luật hiến pháp và Luật hành chính, Luật hình sự và Tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm).
Người có bằng thạc sĩ ngành Chính sách công, Quản lý công được dự thi chuyên ngành Kinh tế Quốc tế…
Không chỉ tuyển sinh theo cách "râu ông cắm cằm bà", khi kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh, thanh tra Bộ GD&ĐT cũng phát hiện hàng loạt sai phạm.
Ví dụ, ngành Quản lý Giáo dục năm 2015 có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định. Tiến sĩ ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý Giáo dục. Tiến sĩ ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học.
Luận án thiếu xác nhận của người hướng dẫn, phản biện
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra một số hồ sơ quản lý đào tạo nghiên cứu sinh cho thấy nhiều hồ sơ không ghi ngày tháng, không ký tên, không có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn, phản biện.
Ví dụ, hồ sơ của nghiên cứu sinh C.X.V, chuyên ngành Tội phạm học và Điều tra Tội phạm không có ý kiến đồng ý và ký xác nhận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở theo quy định.
Hồ sơ của nghiên cứu sinh N.T.T, ngành Luật Hiến pháp và Luật hành chính, bản nhận xét tóm tắt luận án không ghi ngày tháng, không có xác nhận chữ ký của người nhận xét.
Thậm chí, một số biên bản chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp học viện không ghi đầy đủ thông tin của buổi bảo vệ theo quy định, nhất là phần nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi của Hội đồng.
Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo. Đồng thời, thanh tra Bộ GD&ĐT có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm; Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm bị nêu trong kết luận thanh tra.
Chương trình đào tạo không đảm bảo kiến thức tối thiểu
Từ 2015-2017, Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh hơn 1.100 tiến sĩ nhưng chương trình đào tạo không bảo đảm yêu cầu theo quy chế. Tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần quy chế yêu cầu. Một số chương trình đào tạo được học viện thiết kế chung cho cả 4 đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung giống nhau.
Các chương trình đào tạo của học viện có cấu trúc gồm 16 tín chỉ, không đảm bảo lượng kiến thức tối thiểu. Học viện cũng chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử.
Nếu chỉ tính đội ngũ giảng viên cơ hữu, theo quy định năm 2017, học viện không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sĩ và thạc sĩ khối ngành I. Năng lực tuyển sinh trình độ thạc sĩ khối ngành III là 33 chỉ tiêu, khối ngành VII là 53 chỉ tiêu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]