Hoạt động 1: Cho học sinh đọc kỹ đề bài, tìm hiểu đề: Khi đọc đề bài, cần phải xác định rõ đối tượng được yêu cầu trong đề. Nếu đề bài yêu cầu viết về một người bạn thân quen nhất hãy nghĩ kỹ xem những người nào là những người bạn thân quen nhất.
Nhất định đó phải là người bạn thường gặp và rất hiểu về họ, tốt nhất là nên viết về người ở xung quanh bạn. Hãy nghĩ xem ấn tượng sâu sắc nhất mà người đó đã để lại cho bạn là gì. Hãy thử nhớ lại những kỷ niệm mà bạn đã có với người đó và thử dùng vài “từ ngữ then chốt” để khái quát về họ.
Sau đó, kết nối những từ then chốt lại với nhau; xem thử như: kỷ niệm nào là cần viết chi tiết, kỷ niệm nào cần viết sơ lược; xác định mạch tư duy của bài văn.
Hoạt động 2: Vẽ sơ đồ đồ tư duy theo mạch tư duy. Ví dụ: Nếu chọn viết về lớp trưởng của bạn, bạn phải miêu tả vài đặc điểm của bạn lớp trưởng đó như: Xinh đẹp, nghiêm khắc, nhiệt tình… lập sơ đồ tư duy. Giáo viên có thể cho học sinh lập sơ đồ tư duy theo nhóm hay cá nhân với các gợi ý.
Hoạt động 3: Báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy. Cho một vài học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập.
Qua hoạt động này vừa biết rõ việc hiểu kiến thức của các em, vừa là một cách rèn cho các em khả năng thuyết trình trước đông người, giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn, đây cũng là một trong những điểm cần rèn luyện của học sinh hiện nay.
Hoạt động 4: Thảo luận, chỉnh sửa, hoàn thiện sơ đồ tư duy. Tổ chức cho học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện sơ đồ tư duy về kiến thức cần đạt của một bài văn. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư duy, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học.
Hoạt động 5: Củng cố kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Nhìn vào sơ đồ tư duy, học sinh lần lượt trình bày các phần, từ mở bài đến kết luận, nêu tình cảm của mình.
Hoạt động 6: Dựa trên bản đồ tư duy, viết thành bài văn hoàn chỉnh.
Với quy trình này giáo viên đã vận dụng trong quá trình dạy văn miêu tả của học sinh lớp 4, 5 và sẽ được minh chứng cụ thể thông qua các bài văn của các em.
Sơ đồ tư duy là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm học sinh có chung một kiểu sơ đồ tư duy, giáo viên chỉ nên chỉnh sửa cho học sinh về mặt kiến thức, góp ý thêm về đường nét vẽ, màu sắc và hình thức (nếu cần).
Sử dụng sơ đồ tư duy sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển ý tưởng, tìm tòi xây dựng kiến thức mới. Nhờ sự liên kết các nét vẽ cùng với màu sắc thích hợp và cách diễn đạt riêng của mỗi người, sơ đồ tư duy giúp bộ não liên tưởng, liên kết và các kiến thức đã học trong sách vở, đã biết trong cuộc sống… để phát triển, mở rộng ý tưởng.
Sau khi học sinh thiết lập sơ đồ tư duy kết hợp việc thảo luận nhóm dưới sự gợi ý, dẫn dắt của giáo viên dẫn đến kiến thức của bài học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Trong quá trình giảng dạy, chất lượng của một bài văn được chúng tôi đánh giá với nhiều tiêu chí khác nhau. Và để có thể đưa ra được cơ sở đánh giá rõ ràng về các sản phẩm viết văn của các em tôi cũng đã chia thành 8 dạng thức khác nhau để thuận lợi cho việc khuyến khích và phát huy hết được năng lực, sự sáng tạo của các em trong quá trình giảng dạy môn Văn và hướng dẫn sử dụng sơ đồ tư duy để học.
Sơ đồ tư duy là một công cụ có tính khả thi cao vì có thể vận dụng được với bất kỳ điều kiện cơ sở vật chất nào của các nhà trường hiện nay. Có thể thiết kế sơ đồ tư duy trên giấy, bìa, bảng phụ… bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn, tẩy… kích thích được trí tò mò óc sáng tạo của học sinh.
Bước đầu cho phép kết luận: Việc thiết kế bài giảng môn Tập làm văn bằng phương pháp dạy học sơ đồ tư duy sẽ dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học.
Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như: vấn đáp gợi mở, thuyết trình… có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học.
Hiện nay dạy học bằng sơ đồ tư duy ở bậc tiểu học chưa nhiều, nhưng nếu giáo viên đầu tư tìm tòi sáng tạo sẽ giúp các em nâng cao chất lượng học tập, có phương pháp ghi nhớ tốt, thuận lợi cho việc sau này lên học bậc THCS và THPT.
Để có hiệu quả cao thì cả giáo viên và học sinh đều phải nỗ lực phấn đấu. Vì vậy ngoài giờ Tập làm văn, học sinh cần có thói quen tích lũy vốn từ, trau dồi cách sử dụng nó thông qua tất cả các giờ học.
Ngoài ra, học sinh có thể tìm thêm sách tham khảo, báo, truyện để đọc, điều đó cũng rất bổ ích cho việc học văn của các em.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]