Câu chuyện đội tuyển Toán học, Vật lý, Hóa học năm nay giành giải cao nhất trong lịch sử thi Olympic quốc tế một lần nữa khiến dư luận quan tâm việc bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ.
Tham gia đào tạo 60 học sinh tiểu học và THCS đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi quốc tế như Olympic Toán châu Á Thái Bình Dương 2016 tại Singapore, Olympic Toán và Khoa học quốc tế 2016 tại Indonesia (IMSO)…, thầy Trần Phương - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - chia sẻ góc nhìn về câu chuyện phía sau những tấm huy chương danh giá.
Cải cách trường chuyên để xuất khẩu 'cầu thủ trí tuệ'
- Thưa ông, kết quả cao nhất của đoàn thi Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học trong năm nay có đồng nghĩa với việc nền giáo dục được cải thiện, trình độ của học sinh Việt Nam tăng lên?
- Thành tích của các đội tuyển Toán, Lý, Hóa năm nay của chúng ta ở trong top 3 là sự tiến bộ vượt bậc nhưng xét theo chiều dài của thời gian thì trình độ học sinh Việt Nam ở vào khoảng top 12 trên thế giới (cũng phù hợp với kết quả đánh giá năng lực học sinh Việt Nam của tổ chức PISA).
Điều này minh chứng học sinh Việt có tố chất thông minh, giáo viên có đẳng cấp cao trên thế giới và cải cách quy chế thi chọn đội tuyển làm thành tích tốt hơn.
- Phải chăng những thành tích trên là do "luyện gà nòi"?
- Mọi người hay băn khoăn về cách dạy và học “luyện gà nòi” trong chương trình đào tạo chuyên THPT. Thực ra không chỉ Việt Nam mà cả Nga, Trung Quốc hay Mỹ cũng đều “luyện gà nòi”.
Nước Mỹ có khoảng 136.000 học sinh theo học tại 165 trường chuyên bậc THPT thuộc các bang hoặc các trường đại học được hưởng ngân sách chính phủ. Đội tuyển Toán của Mỹ được các chuyên gia hàng đầu thế giới gốc Rumani, Trung Quốc… huấn luyện.
Không "luyện gà nòi" chắc chắn không thể đạt được thành tích cao. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc này ở Hà nội, TP.HCM và các tỉnh cũng có sự khác biệt.
Học sinh Hà Nội, TP.HCM, ngoài chú trọng ôn luyện môn chuyên như học sinh ở các tỉnh, còn phải rèn luyện ngoại ngữ để thi chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT và tham gia các hoạt động xã hội để tạo dựng tốt hồ sơ xin học bổng các trường đại học hàng đầu quốc tế.
Thầy Trần Phương là giáo viên dạy Toán, là Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng. Ảnh: Đức Phạm. |
- Như vậy, mô hình "luyện gà nòi" của trường chuyên Việt Nam là thành công?
- Như đã nói ở trên, thành tích và trình độ của học sinh Việt Nam vào khoảng top 12 thế giới là minh chứng cho sự thành công của hệ thống trường chuyên Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng trước thách thức cuộc cách mạng 4.0 thì cần phải đặt ra những mục tiêu đa dạng hơn cho trường chuyên. Hàng năm, chúng ta có gần 20.000 học sinh chuyên của 63 tỉnh thành. Nhưng mỗi năm chỉ có 23 học sinh của 5 đội tuyển Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học dự thi Olympic quốc tế.
Như thế, mục đích chính của trường chuyên vẫn là đào tạo ra những học thi đỗ điểm cao đại học trong nước. Chỉ với mục đích này thì không cần trường chuyên bởi có nhiều học sinh trường làng tự luyện thi vẫn đỗ thủ khoa đại học.
- Vậy mục tiêu đa dạng hơn của trường chuyên Việt Nam là gì?
- Trường chuyên dù đang thành công vẫn ẩn chứa nghịch lý và tôi gọi đó là nghịch lý Usain Bolt.
Nếu thi chạy 100 m mà không có tiêu chí thời gian, Usain Bolt và một đứa trẻ 3 tuổi cũng giống nhau khi cùng chạy hết quãng đường. Sự khác biệt chỉ đến nếu có tiêu chí thời gian, Usain Bolt chỉ mất hơn 9 giây còn đứa trẻ phải mất 9 phút. Vậy nếu giữ nguyên mục tiêu chính của trường chuyên là luyện thi đỗ điểm cao đại học trong nước, chí ít phải rút ngắn thời gian đào tạo so với trường bình thường.
Nếu như trước đây (1970-1988) không có Internet, điện thoại di động, chúng ta chỉ cần 10 năm đào tạo học sinh thi đại học thì ngày nay, trường chuyên ít nhất phải phấn đấu như trường bình thường ngày xưa, tức là cũng chỉ mất 10 năm.
Nhưng nếu vẫn giữ nguyên 12 năm đào tạo, Bộ GD&ĐT nhất thiết phải đặt mục tiêu cao hơn cho các trường chuyên. Chẳng hạn mục tiêu các trường chuyên thi đua có số lượng học sinh nhận học bổng du học càng nhiều càng tốt. Điều này cũng giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản với một cuộc tìm kiếm quốc tế tri thức, hay Trung Quốc xuất khẩu du học.
Hiện nay, tỷ lệ du học bổng tại các trường của Hà Nội, TP.HCM… chủ yếu là do sự nỗ lực của học sinh và gia đình chứ không phải tác động đến từ chính sách.
- Ông nghĩ nên phát triển trường chuyên theo hướng nào?
- Bộ GD&ĐT cần khôi phục hệ thống trường chuyên xuyên suốt cả 3 bậc học phổ thông, từ tiểu học đến THCS và THPT. Học tập kinh nghiệm thành công của mô hình giáo dục các nước tiên tiến hoặc liên kết với các mô hình này để định hướng đào tạo học sinh chuyên trở thành những công dân toàn cầu.
Mới đây nhất, TP Hà Nội có đề án “Thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A level tại trường THPT Chu Văn An - cũng là một bước đi mới.
Nên có cách nhìn cởi mở với du học sinh
- Nhiều em đoạt giải Olympic đã tự tìm kiếm học bổng du học và được trọng dụng ở nước ngoài. Ông nghĩ sao về việc nhân tài không quay trở về nước làm việc?
- Từ năm 1992 trở về trước, Nhà nước có chính sách cho học sinh đạt giải Olympic quốc tế đi du học ở các nước Đông Âu như Nga, Tiệp, Đức, Ba Lan… Sau sự sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu nhà nước không còn chính sách cho du học sinh theo học tại các nước này, gia đình và các học sinh phải tự thân vận động để apply vào các trường đại học quốc tế.
Do không nhận được sự hỗ trợ, ý thức trở về để đóng góp cho quê hương cũng mờ nhạt theo thời gian.
Mặt khác, môi trường và điều kiện làm việc ở trong nước chưa phù hợp nên các gia đình phải tính toán lợi ích tối đa của bài toán đầu tư. Họ mong muốn con em mình làm đúng nghề ở các công ty hàng đầu nước ngoài để sớm có thành công khoa học và tài chính.
Một điều nữa là chúng ta cũng nên có cách nhìn cởi mở hơn với du học sinh. Chỉ cần trái tim và khối óc của họ nghĩ đến Việt Nam là họ sẽ biết cách giúp ích cho đất nước mà không nhất thiết phải ở trong nước.
- Việc quy hoạch, hỗ trợ tài năng trẻ nên được triển khai như thế nào?
- Ngay sau khi học sinh giành huy chương, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ kịp thời bằng cách tạo kinh phí cho các em học ngoại ngữ, tư vấn du học, tránh để các em tự thân vận động, nếu thất bại gây lãng phí thời gian và tài chính cho gia đình.
Mặt khác, chúng ta cần phải có tư vấn quy hoạch du học sinh thành các nhóm tài năng trên nhiều lĩnh vực khác nhau để các em phát huy tối đa năng lực của bản thân phù hợp định hướng phát triển của thế giới và đất nước.
Thầy Trần Phương cùng 6 học trò đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán châu Á Thái Bình Dương (APMOPS) năm 2015 |
Con đường nào thành công sau những tấm huy chương?
- Là người tham gia đào tạo tài năng Toán học, ông cho rằng một người sau khi giành huy chương vàng Olympic như thế nào thì được gọi là thành công?
- Chúng ta hân hoan chia vui mỗi khi học sinh hoặc người Việt Nam được vinh danh với các giải thưởng uy tín quốc tế. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt phải của tấm huy chương. Mặt trái của nó, người ngoài ít biết đến, trong khi một số người trong ngành thì cố tình bỏ qua.
Trong 246 học sinh Việt Nam dự 41 kỳ thi IMO có hơn 230 người nhận được huy chương. Khi điểm danh lại, bên cạnh những thành công của một số chuyên gia Toán học như GS Ngô Bảo Châu, GS Lê Tự Quốc Thắng, GS Phạm Hữu Tiệp, GS Vũ Kim Tuấn…, một số người thành công khi chuyển sang làm kinh doanh như Nguyễn Trung Hà (huy chương đồng IMO năm 1978), vẫn có khá nhiều người không thành công trong con đường chinh phục khoa học.
Một tỷ lệ không nhỏ bị trầm cảm hoặc mắc bệnh về thần kinh. Sau khi du học từ châu Âu trở về Việt Nam, N.V.B (huy chương đồng IMO năm 1983) do không hòa nhập được với cuộc sống thực tại, đã tự tử vào năm 1990.
Nếu xác định nghiên cứu khoa học nói chung và Toán học nói riêng là chấp nhận đi vào con đường tiên phong của nhân loại mà ở đó hệ giá trị sẽ khác với các thước đo thông thường.
- Nếu được mời làm tư vấn, ông sẽ khuyên các tài năng Toán học IMO theo định hướng nào?
- Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng từ xưa đến nay các nước phương Tây vẫn tôn vinh nấc cao nhất dành cho những người sáng tạo khoa học công nghệ và nghệ thuật chứ không phải chính trị gia. Một góc nhìn khác theo quan điểm phương Đông rất trân trọng người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”.
Tuy nhiên, theo tôi, bản chất của nghề sư phạm như “người lái đò”, lặp đi lặp lại kiến thức chuyên môn với các đối tượng khác nhau. Nghề này cần nhiều kinh nghiệm hơn là sự sáng tạo.
Vì vậy, các thế hệ 8X, 9X đoạt huy chương IMO nếu mai sau chỉ trở thành một giáo viên thuần túy thì quả thật là sự lãng phí tài năng. Các em vẫn có thể làm giáo viên nhưng nếu đó chỉ là nghề tay trái bên cạnh tay phải là nghề sáng tạo khoa học công nghệ hay quản trị, kinh doanh thì đóng góp cho xã hội sẽ lớn lao hơn.
Về lời khuyên cụ thể cho các học sinh huy chương IMO, các bạn nên theo ngành Khoa học Máy tính, vì nó đồng hành với dòng chảy thời đại của cách mạng 4.0.
Các bạn sẽ là công dân toàn cầu, dễ được Mỹ, Anh cấp thẻ xanh và dễ đạt được thành công về khoa học và tài chính để làm cơ sở có được hạnh phúc dài lâu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]