Phát hiện, giúp đỡ và giáo dục học sinh như thế nào trong học tập cũng như trong cuộc sống để các con tiến bộ, đó luôn là câu hỏi mà người giáo viên cần phải tìm ra cho mình.
Ở kỳ trước, chúng ta được đến với hướng tiếp cận, phát hiện và giúp đỡ học sinh “cá biệt” trong bài “Giao chức vụ và có khen thưởng cho học sinh cá biệt”, ở bài nay mời bạn đọc cùng tìm hiểu quan điểm giáo dục học sinh của thầy Christopher M.McDonald - Tổng hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội.
Đó là những chia sẻ tâm huyết của một người thầy đã gắn bó hơn 25 năm trong công tác giảng dạy và quản lý ở cả trường học tại Mỹ và Việt Nam.
Mỗi học sinh là một sự “khác biệt”
Thầy Christopher M.McDonald cho biết: “Theo quan điểm thầy cũng như của nhà trường, không phân loại học sinh ra làm hai hay ba loại, như học sinh ngoan hay học sinh chưa ngoan. Mỗi học sinh là một sự khác biệt”.
Do đó, không thể căn cứ vào bài kiểm tra đầu vào hay một vài tuần học để có thể biết một đứa trẻ như thế nào.
Thầy Christopher M.McDonald - Tổng hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Olympia cho rằng "mỗi học sinh là một sự khác biệt". Ảnh: Hồng Nhung
Thầy Christopher M.McDonald lấy thí dụ: “Bài kiểm tra đầu vào chỉ như một khoảng nhỏ trên tờ giấy, thông qua bài kiểm tra đó làm sao có thể nhìn thấy một em học sinh có thể làm được những gì, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật bằng gốm này, hay những bức tranh như thế này”. (Thầy Christopher M.McDonald chỉ tác phẩm, bức tranh được trưng bày trong phòng làm việc của mình, đó đều là do học sinh trường Olympia làm).
Bởi vì trẻ con có thể thông minh theo nhiều cách khác nhau, như Howard Gardner có nói trẻ có 8 loại thông minh. Mặc khác, có những người nổi tiếng không thành công trong việc học như Bill Gates, Steve Job, Mark Zuckerberg… vậy thì làm sao có thể biết được.
Thầy Christopher M.McDonald nhấn mạnh: “Mỗi một đứa trẻ đều có tài năng, trường học tốt là trường học có thể nhìn thấy tài năng của đứa trẻ và phát triển tài năng ấy. Tuy nhiên, tài năng ấy có thể không được nhìn thấy trong một, hai bài kiểm tra”.
Với người lớn, khi ta mong đợi trẻ ở mức thấp thì trẻ cũng ở mức thấp, nhưng khi ta mong đợi trẻ ở mức cao thì đứa trẻ cũng hướng đến mức cao. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy khả năng của các con, phát huy khả năng ấy.
“Chữa bệnh” cho học sinh bằng nhiều cách
Thầy Christopher M.McDonald lấy một thí dụ như “Khi bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân không khỏe chỗ nào thì bác sĩ kê thuốc phù hợp để chữa khỏi. Giống như thế, đối với học sinh trường Olympia, trong quá trình học, chúng tôi sẽ tìm hiểu khó khăn mà học sinh đang gặp phải. Học sinh gặp khó khăn ở lĩnh vực nào chúng tôi giúp các em ở lĩnh vực đó”.
Học sinh yếu về môn học nào đó, nhà trường sẽ có phụ đạo trong giờ. Nếu học sinh gặp khó khăn về tâm lý (hoàn cảnh gia đình, tình cảm…) có hệ thống cố vấn trường học, có văn phòng tư vấn tâm lý. Các thầy cô trong phòng tư vấn đều được đào tạo để có tư vấn tốt nhất giúp các con có chuyển biến tích cực.
“Chúng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều có thể thành công” – thầy Christopher nhấn mạnh.
người giáo viên sẽ tiến hành phụ đạo như thế nào cho học sinh? Theo thầy Christopher M.McDonald chia sẻ, trước hết, khi thấy học sinh đang yếu ở bộ môn nào đó, giáo viên cố gắng trò chuyện với học sinh, trò chuyện với học sinh để tìm hiểu xem điều gì đang “ẩn khuất” đằng sau đó.
Thầy Christopher M.McDonald cho rằng, người làm phụ đạo kém là người chỉ cố gắng nhồi nhét tiếp cho học sinh kiến thức mà không tìm hiểu xem khó khăn thực sự của các em là gì, còn người phụ đạo tốt phải là người tìm cách để tìm ra khó khăn đó và có biện pháp giúp các em khắc phục.
Lấy thí dụ, bộ não của học sinh giống như con chuột này (thầy Christopher giơ con chuột máy tính lên), trong khi não đã bị khóa lại mà người phụ đạo kém lại cố dùng chiếc chìa khóa mở nó ra, mở mãi không được lại tìm cách cố ấn, ấn ra cho bằng được, còn người phụ đạo tốt sẽ thử bằng các chìa khóa khác nhau.
Như vậy để thấy, phương pháp làm phụ đạo tốt là người giáo viên phải tìm nhiều cách khác nhau để giúp học sinh tiến bộ.
Bên cạnh việc phụ đạo môn học, để có thể phát hiện được tài năng của học sinh, theo thầy Christopher M.McDonald, nếu ở các trường khác có phân ra môn chính, môn phụ thì ở Olympia không có môn nào là môn chính, cũng không có môn nào là môn phụ. Trong chương trình của nhà trường, ngoài chương trình cơ bản còn có chương trình sáng tạo. Trong chương trình sáng tạo, học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều môn như thể thao, nghệ thuật, công nghệ…
Không chỉ trong chương trình chính khóa, nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ. Đó chính là nơi các con thể hiện tài năng, tiềm năng của mình.
Học sinh đăng ký vào các câu lạc bộ phù hợp với khả năng của mình, nhà trường sẽ căn cứ vào đó phát triển tài năng cho các con.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]