Sau kỳ thi THPT, phần lớn học sinh (HS) thi các môn xã hội đều thở phào nhẹ nhõm vì đề thi khá dễ thở, dự kiến điểm thi ở các môn này cũng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều giáo viên không hài lòng về cách ra đề vì còn khô khan và ghi điểm quá dễ.
Nói về vấn đề này, ông Đoàn Nhật Quang (giáo viên môn địa của Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho rằng đề thi năm nay ở hai môn văn và địa quá dễ và chưa hay. Đề bám sát chương trình sách giáo khoa (SGK), không đòi hỏi HS học thuộc lòng nhiều nhưng chưa có sự đổi mới mang tính đột phá, chỉ ra theo khuôn mẫu và an toàn. Tính phân loại của đề chưa cao, chưa kích thích tư duy và giáo dục ý thức cho các em. Ví dụ như ở môn địa, chủ đề kinh tế biển đảo đã quá quen thuộc và đã được các em, giáo viên chuẩn bị tốt. Câu nêu đặc điểm sông ngòi thì quá cũ.
“Với kỳ thi quốc gia mà ra đề như thế này thì chưa tương xứng lắm vì hết 70%-80% là cơ bản” - ông Quang nói.
Về cách ra đề môn văn, các giáo viên cũng cho rằng đề ra quá an toàn, đơn điệu, thiên về kiến thức SGK, thiếu đổi mới, chưa đánh thức tư duy và sáng tạo của HS. Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nhận xét đề thi quá dễ, chỉ phù hợp thi tốt nghiệp THPT chứ không xứng thi ĐH. Đề vẫn còn hỏi những kiến thức quá đơn giản và cũ.
“Đề quốc gia cho HS lớp 12 mà hỏi về thể loại thơ, phương thức văn bản nào, biện pháp tu từ, so sánh… thì ngay cả HS THCS cũng có thể làm được. HS trung bình thì làm để tốt nghiệp, còn HS giỏi lại không hào hứng” - cô Hiền bày tỏ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]