Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 7, TP HCM cho rằng có vẻ như sau kỳ thi thử tổ chức tại các địa phương, tỉ lệ học sinh (HS) trượt tốt nghiệp nhiều quá nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cố tình giảm độ khó của đề thi. Đề thi ở nhiều môn không những dễ mà còn chưa phù hợp, chính điều này vô hình trung đánh đồng những HS có học lực khá giỏi với những HS yếu kém hơn.
Nhiều môn đề quá dễ
Ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Quang Trung Nguyễn Huệ (TP HCM), cho biết tỉ lệ HS đậu tốt nghiệp sẽ trên 90% vì đề thi được nhận định dễ hơn kỳ thi thử. “Thật ra, có nhiều cách để phân loại HS nhưng đề thi không hay, không rõ sẽ rất thiệt thòi cho những em khá giỏi và có năng lực. Chính vì thế, ngay từ đầu, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT thay bằng thang điểm 20 sẽ dễ dàng trong khâu đánh giá, chấm điểm” - ông Đại nói.
Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc môn thi địa lý tại điểm thi Trường THPT Gia Định (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Trong khi đó, ông Đặng Chí Minh, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Tân Phong (quận 7), cho rằng chỉ tính riêng đề văn, những câu hỏi như dành cho HS lớp 6. Đành rằng trong đó yêu cầu các thao tác như nhận biết nhưng nhận biết của HS lớp 12 phải khác lớp 6 là từ nhận biết đến tư duy, chứ không phải nhận biết xong rồi chấm hết. Với đề thi này, chắc chỉ có HS ốm đau không dự thi được mới trượt tốt nghiệp.
Theo thầy Đoàn Nhật Quang, giáo viên Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), năm nay xét tốt nghiệp dựa trên điểm thi THPT quốc gia và học bạ lớp 12. Tại nhiều trường, điểm lớp 12 của HS được cải thiện nhiều và cùng với việc đề thi dễ thì tỉ lệ đậu tốt nghiệp có thể là 100%. Nhiều em chỉ cần mỗi môn 3-4 điểm là đạt.
Khó cho trường ĐH xét tuyển
Trái với công bố của Bộ GD-ĐT về việc đề thi sẽ phân loại tốt để giúp các trường ĐH xét tuyển HS tốt, ở nhiều môn thi, sự phân hóa của đề không rõ. Giảng viên Lại Tiến Minh, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng đề thi toán rất cơ bản, không quá lạ so với các đề minh họa và các đề thi thử. HS trung bình có thể làm được 5 điểm, trung bình khá có thể được 6,5 điểm và HS khá có thể làm được trên 7 điểm. “Đề thi này có thể phân loại tốt HS trung bình và khá nhưng vẫn không phân loại được HS trung bình khá và khá giỏi. Đề thi phù hợp để xét tốt nghiệp THPT nhưng sẽ khó khăn nếu dùng để xét tuyển ĐH” - giảng viên Minh nhận định.
Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng đề thi môn địa lý quá dễ, độ phân loại thí sinh không đạt yêu cầu, các trường ĐH sẽ rất khó dựa vào đó để xét tuyển. Cô Vũ Như Thiên Hương, Tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nhân Việt (Hà Nội), cho biết cấu trúc đề thi môn này đã theo sát đề mẫu trước đó của Bộ GD-ĐT, nội dung cũng hoàn toàn nằm trong chương trình học của khối 12, phần hỏi nâng cao không quá khó nên đa phần HS sẽ được 6-8 điểm, rất khó cho các trường ĐH xét tuyển.
Nhiều giáo viên cũng nhận định với cách ra đề như kỳ thi THPT quốc gia sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách dạy và học. Đề quá dễ sẽ khiến HS không chịu học vì không học làm bài vẫn được.
“Điều quan trọng sắp tới là ở khâu chấm thi. Nếu khâu chấm không chặt, nhiều thí sinh sẽ bị rớt oan vì năm nay có thể cạnh tranh tới 0,25 điểm. Chính vì thế, đề thi phải có những câu thật khó để phân loại thí sinh, đáng tiếc là chưa làm được điều đó” - một giáo viên nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đề thi của các môn đều có hướng dẫn chấm điểm cụ thể. Giáo viên chấm thi sẽ bám vào hướng dẫn và tuân thủ nghiêm túc quy trình chấm 2 vòng độc lập, bảo đảm kết quả chính xác, khách quan và công bằng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]