Khôn ngoan lựa chọn cơ hội
Trao đổi về vấn đề này với báo Giáo dục và Thời đại, Thạc sĩ Hoàng Đức Bình - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen – cho biết:
Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh chỉ có một Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng 1 và được đăng ký 4 nguyện vọng trong một trường. Đây là bài toán không đơn giản với các thí sinh.
Nếu các thí sinh tận dụng thiếu khôn ngoan các cơ hội nàynhiều khi sẽ dẫn mình vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Chắc chắn, tâm lý các thí sinh đều cố gắng lấp đầy cả 4 nguyện vọng với mong muốn tăng tối đa cơ hội trúng tuyển ngay nguyện vọng 1. Như vậy, thông thường, nguyện vọng 1 sẽ là ngành thí sinh yêu thích, nhưng 2 đến 3 nguyện vọng còn lại sẽ chỉ để lấp chỗ trống mà không phải ngành phù hợp với năng lực, sở trường.
Nếu thí sinh bị trượt nguyện vọng 1, có thể sẽ đỗ vào một trong các nguyện vọng bổ sung còn lại – cũng là ngành mình không yêu thích. Các em không thể biết được rằng, việc học ngành không đúng với sở trường sẽ mệt mỏi như thế nào?
“Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi đã thấy nhiều sinh viên do lựa chọn không đúng ngành nên đến năm thứ 2 lại đăng ký thi đại học. Khi đó, mất rất nhiều thời gian và công sức của gia đình” – thạc sĩ Hoàng Đức Bình chia sẻ.
Từ đó, thạc sĩ Bình khuyến cáo, dù có tối đa 4 cơ hội khi xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh phải cân nhắc lựa chọn một cách khôn ngoan, căn cứ vào năng lực, sở trường, khả năng của mình.
Nếu không, thí sinh có thể chọn 2, thậm chí chỉ 1 ngành; sau đó, nếu không đậu có thể tiếp tục tìm cơ hội ở các đợt xét tuyển tiếp theo, vào đúng ngành mình yêu thích ở một trường khác.
Cơ hội vào ĐH sẽ nhiều hơn
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, năm nay cơ hội vào đại học với thí sinh sẽ rất rộng mở. Vì nếu không đỗ nguyện vọng 1, các em còn 3 Giấy chứng nhận kết quả thi với 12 cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong những đợt tiếp theo.
Thậm chí, ngay cả với những thí sinh có tổng điểm thấp hơn ngưỡng điểm tối thiểu của Bộ GD&ĐT cũng vẫn còn cơ hội vào đại học vì nhiều trường sẽ xét tuyển chỉ căn cứ trên kết quả học tập và hạnh kiểm 3 năm học THPT.
Riêng đối với Trường ĐH Hoa Sen, dù thời điểm này còn quá sớm để dự báo điểm chuẩn, nhưng thạc sĩ Hoàng Đức Bình, dựa trên thông tin sơ bộ về điểm thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng dự đoán điểm trúng tuyển sẽ cao hơn năm trước.
“Trước đây, Trường ĐH Hoa có ngành 16 điểm là trúng tuyển; nhưng năm nay, với mức điểm ấy, thí sinh sẽ khó có thể vào được ngành đó” – thạc sĩ Bình cho hay.
Đại diện truyền thông của Trường ĐH Hoa Sen đồng thời đưa ra nhận định, năm nay, các trường top trung, top dưới sẽ thuận lợi hơn trong xét tuyển. Nhưng, những trường thuộc top trên, việc xét tuyển sẽ khó khăn hơn, nếu chỉ căn cứ vào điểm thi. Do đó, nhiều trường phải có phương án phụ để sàng lọc thí sinh.
Hồ sơ ĐKXT bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng ký 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển; Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng ký dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi; 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu quy định, Hồ sơ ĐKXT có thêm: Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển theo mẫu quy định tại Hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015; Một trong các giấy chứng nhận sau: Giấy chứng nhận đoạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; Giấy chứng nhận đoạt giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia; Giấy chứng nhận đoạt giải quốc tế về thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]