Phòng tuyển sinh vắng bóng thí sinh của Đại học Hà Hoa Tiên, một trong những trường ngoài công lập luôn "đói" thí sinh trong nhiều năm qua. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Đây chính là những vấn đề được đưa ra phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình này sáng nay, ngày 14/3/2014, tại Hà Nội.
Quy mô tăng mạnh
Sự ra đời của Trung tâm đại học dân lập Thăng Long tại Hà Nội năm 1988, tiền thân của Đại học Thăng Long ngày nay, cũng là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đầu tiên ở nước ta.
Từ đó đến nay, sự xuất hiện của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ngày càng nhiều với mức độ tăng ngày một nhanh hơn. Năm 1994, cả nước có 5 cơ sở đại học ngoài công lập. Năm 2000, con số này là 17 trường. Năm 2010 có 82 trường. Đến năm 2013, cả nước đã có 90 trường ngoài công lập (trong đó có 61 trường đại học và 29 trường cao đẳng), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Hiện khối trường này đang đào tạo 1.143 ngành với 522 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 582 ngành trình độ đại học, 36 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ và 3 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ.
Cùng với quy mô trường thì số sinh viên của hệ này cũng tăng mạnh. Tỷ lệ tăng sinh viên bình quân hàng năm trong giai đoạn 2.000-2010 là 12,39%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của các trường đại học công lập (là 9,05%). Hiện số sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các trường ngoài công lập là trên 314.000 sinh viên, chiếm tỷ lệ 14% số sinh viên của cả nước.
Nhiều trường đã khẳng định được chất lượng, tạo được niềm tin trong xã hội như Đại học FPT, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thăng Long, Đại học Hoa Sen...
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc hình thành và phát triển các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội và và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong giáo dục đại học ở Việt Nam.
Các trường đã tạo công việc cho hàng nghìn cán bộ và giảng viên, huy động được nguồn lực to lớn của xã hội để hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Sự ra đời của các trường ngoài công lập cũng đã có tác động mạnh mẽ đến hệ thống các trường công lập trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Thí sinh dự thi đại học.. (Ảnh: TTXVN)
Nhưng chất lượng đào tạo chưa đảm bảo
Mặc dù đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nói chung, nhưng nhiều trường ngoài công lập vẫn còn những hạn chế.
Quy mô, số lượng tăng nhanh nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng, cơ sở vật chất thiếu, đội ngũ quản lý chưa chuyên nghiệp, vi phạm quy chế trong tuyển sinh, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Những mâu thuẫn trong nội bộ một số trường như Đại học Hùng Vương, Đại học Phan Chu Trinh... đã làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm cũng như uy tín của các trường.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện còn 15 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập chưa tiến hành xây dựng trường tại địa điểm đã đăng ký. Một số trường có đất nhưng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị hạn chế nên dạy học cầm chừng như Đại học Tài chính và Ngân hàng Hà Nội, Đại học Công nghệ và quản lý hữu nghị...
Những điều trên đã làm mất niềm tin của xã hội vào chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập, khiến thí sinh không đăng ký vào học còn nhà tuyển dụng từ chối tiếp nhận sinh viên.
Điều này đã khiến cho quy mô đào tạo của nhiều trường ngày càng "teo tóp," có trường thậm chí chỉ có vài sinh viên đăng ký học và không mở nổi lớp, lâm vào tình trạng “sống thoi thóp,” nhất là trong những năm gần đây.
Có sự bất bình đẳng công - tư?
Đứng trước thực trạng "bi đát" trong tuyển sinh và nguy cơ giải thể trường, sự bức xúc của trường ngoài công lập đã khiến cho không khí hội nghị sáng nay trở nên nóng bỏng và kéo dài từ 8 giờ sáng đến tận hai giờ chiều với hàng chục ý kiến.
Lãnh đạo các trường ngoài công lập cho rằng nguyên nhân tình trạng trên là do sự bất công bằng giữa trường công-trường tư và đã có rất nhiều đề xuất đến Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo để tháo gỡ các khó khăn. Những vấn đề được các trường quan tâm nhất là đề nghị được cấp đất sạch để xây trường, được miễn thuế, được vay ưu đãi, được hưởng chính sách như trường công...
Lãnh đạo Đại học Phú Xuân (Huế) kiến nghị: “Hiện các trường ngoài công lập vẫn phải đóng thuế 10% cho Nhà nước như doanh nghiệp. Tôi đề nghị không nên xem trường như doanh nghiệp, hoặc phải là doanh nghiệp rất đặc thù. Khoản thuế nên hoàn lại cho trường để có thể thực hiện đầu tư vào đào tạo như cấp học bổng cho sinh viên, mua sắm trang thiết bị."
Ông này cũng cho biết hiện các trường ngoài công lập rất khó khăn do không được cấp đất sạch, không được vay ưu đãi.
Hiệu trưởng Đại học dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng có sự bất công giữa trường công và trường tư. “Cùng là công dân nhưng học sinh trường công được Nhà nước đầu tư cấp bù kinh phí đào tạo, chỉ phải đóng học phí thấp, còn học sinh trường tư không chỉ phải đóng đủ kinh phí với học phí cao mà còn phải đóng thuế cho Nhà nước thông qua khoản thuế thu từ trường,” ông Nghị phân trần.
Theo đó, ông Nghị đề xuất có sự đầu tư cho học sinh trường tư như trường công.
Cùng vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN, bà Phương, cũng cho rằng Bộ chưa có sự đối xử công bằng. Theo bà Trần Kim Phương, trường công được đầu tư của Nhà nước thì sẽ phải đào tạo chất lượng cao hơn, không thể lấy điểm tuyển sinh bằng điểm sàn như trường ngoài công lập, dẫn đến trường tư không thu hút được thí sinh.
Trước những kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến để có những điều chỉnh hợp lý./.
Theo Phạm Mai - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]