Phụ huynh lo lắng về bữa ăn của trẻ ở trường. (Ảnh có tính chất minh họa)
Ngày nào con gái đi học mầm non về là chị Hoàng Thị Liên (Ngọc Thụy – Gia Lâm – Hà Nội) cũng thủ thỉ hỏi con hôm nay ở lớp được ăn những gì? “Con thường kể, bữa sáng nào cũng cháo, bữa trưa thì có thịt băm trộn với canh, hôm thì đậu phụ trộn với thịt băm, buổi chiều mỗi bạn được uống 1 cốc nhỏ sữa hoặc ăn dưa hấu. Tôi có hỏi con có ăn hết không thì con gái thường nói: Cơm không ngon bằng mẹ nấu ở nhà nhưng vẫn phải cố ăn hết” – chị Liên nói.
Con gái chị Liên hơn 5 tuổi nhưng mới được 15 kg, đợt khám sức khỏe nào cũng bị xếp vào dạng thấp còi nhất lớp. “Xót” con, bữa tối duy nhất con ăn ở nhà chị ra sức nấu nướng, đổi món cho con ăn được nhiều. Tuy nhiên chị Liên cũng thừa nhận: “Ăn thế cũng không bù lại được, nhưng chẳng con cách nào khác, vì bữa ăn của con ở trường mình không quyết định được, sạch bẩn thể nào cũng chịu chứ đừng nói đến đủ dinh dưỡng” – chị Liên thở dài.
Chị Trần Thị Thu Trang ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm – Hà Nội) thì kể, con trai học lớp 3, cứ đi học về là phi thẳng vào tủ lạnh tìm đồ ăn vì… đói: “Con kể cơm ở trường chán lắm, đồ ăn thì nguội ngắt, thức ăn thì chỉ có thịt, có hôm con chỉ ăn được ½ là bỏ. Thương con, ngày nào trước khi đi học mình cũng đút vào balo cho con 2 hộp sữa để tranh thủ uống giờ ra chơi” – chị Trang nói.
Học bán trú, đồng nghĩa với việc bữa ăn chính của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào trường học. Tuy nhiên, tình trạng trẻ “không thỏa mãn” với bữa ăn chính ở trường vẫn diễn ra thường xuyên.
Nghiên cứu mới nhất về khẩu phần ăn của học sinh từ 6 – 11 tuổi ở 6 tỉnh Bắc – Trung – Nam của Viện dinh dưỡng quốc gia đã chỉ ra rằng, khẩu phần ăn của trẻ em, đặc biệt trẻ ở lứa tuổi tiểu học chưa đáp ứng cả về lượng lẫn chất. Cụ thể, khẩu phần ăn năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu, canxi chỉ đạt 59%; khẩu phần sắt nhóm 6-9 tuổi chỉ đạt 68%.
Đây cũng là lý do mà tỉ lệ học sinh thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay đang khá cao. Trong đó, học sinh thiếu vitamin D chiếm tỉ lệ cao nhất, từ 46,6-58,3%. Tỉ lệ học sinh thiếu máu chiếm 11,8%, tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh trong khi chiều cao trung bình của trẻ thì tăng rất khiêm tốn.
TS Lê Văn Tuấn - Vụ học sinh sinh viên (Bộ GD ĐT) cho rằng, trẻ thiếu chất, suy dinh dưỡng 1 phần là do nhiều bếp ăn trong trường học chưa đảm bảo, mắc qua nhiều “lỗi” trong đó phổ biến là: Chưa đảm bảo đủ quy trình 1 chiều, không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm chế biến cho học sinh không đa dạng, nấu quá mặn hoặc quá ngọt, hay dùng nước ninh xương nấu canh, cháo. Ngoài ra, nhiều trường chưa có bếp ăn bán trú phải ký với các doanh nghiệp cung ứng đồ ăn bên ngoài đưa đến trường cho trẻ, do đó thức ăn thường nguội hoặc không đảm bảo dinh dưỡng...
Trước đó, hàng loạt vụ “tuồn” thực phẩm bẩn vào trường học đã bị phát giác. Tháng 1.2016, Sở GD ĐT Hà Nội đã phải yêu cầu các trường trong địa bàn dừng ngay hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty Trung Thành vì phát hiện 1 lượng rau, củ, quả “bẩn” không nguồn gốc được “biến hóa” đưa vào các bếp ăn của 7 trường mầm non. Tháng 3.2015, công ty Phú Nhật Hào bị phát giác vì “tuồn” 12 kg da heo bốc mùi vào bếp ăn của 18 trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tháng 4.2015, 15 học sinh của trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Bến Cát, Bình Dương) cũng phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do ăn cơm đậu hũ sốt cà chua và canh mồng tơi ở trường học… |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]