Trao đổi với phóng viên Dân Việt trưa nay (30.5), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: “Theo tôi, khi chúng ta coi các trường đại học như một nơi cung cấp dịch vụ, thì những “hàng hóa” được cung cấp đó đều có giá của nó theo quy luật của thị trường. Muốn đảm bảo được chất lượng của giáo dục, phải có một mức giá dịch vụ đào tạo hợp lý. Tôi cho rằng, theo nguyên tắc chất lượng phải đi đôi với giá tiền, hai khái niệm này phải tồn tại song hành, tương hỗ lẫn nhau”.
PGS Nhĩ cho biết, đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người bỏ ra một số tiền lớn để đi du học tại các nước có nền giáo dục phát triển. Bởi mặc dù chịu một mức giá cao để “mua” dịch vụ đào tạo, nhưng những dịch vụ được các trường đại học này cung cấp hoàn toàn xứng đáng với mức giá mà họ đặt ra.
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng Bộ GD và ĐT.
Sáng nay (30.5), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Trong đó, đáng lưu ý trong dự thảo Luật có sửa đổi về việc chuyển quy định về học phí sang quy định về giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật phí và Lệ phí. Cụ thể, dịch vụ do Nhà nước cung cấp kinh phí sẽ được các cơ quan nhà nước quy định mức giá. Còn lại, dịch vụ không sử dụng kinh phí từ Nhà nước sẽ được các cơ sở giáo dục đại học tự chủ quy định mức giá.
Để có thể chuyển từ học phí sang giá, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Về mặt nguyên tắc thì như vậy, nhưng chúng ta cần phải có lộ trình để cân đối được giữa mức giá và hoàn cảnh thực tế của đất nước. Học sinh muốn được tham gia một môi trường học tập có chất lượn, cần phải bỏ ra một số tiền tương ứng, tuy nhiên mức tiền quy định đó phải phù hợp với thực tế. Không thể nào áp dụng mức giá của Mỹ, Anh… vào Việt Nam”.
PGS Nhĩ khẳng định, để có thể có được sự cân bằng giữa 3 yếu tố khả năng chi trả của học sinh - mức giá của dịch vụ đào tạo - kinh phí để duy trì các cơ sở đào tạo (bao gồm có cơ sở vật chất, lương của giáo viên và các chi phí vận hành khác, cần phải có một lộ trình đầy đủ và chi tiết của Nhà nước. Thậm chí, theo PGS Nhĩ, việc can thiệp của Nhà nước để có một mức giá trần được tính toán cụ thể là điều rất cần thiết.
“Mức giá của một cơ sở đào tạo đại học cần được quy định một cách định lượng dựa vào các yếu tố cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên truyền tải kiến thức và phương pháp giáo dục. Dĩ nhiên, theo quy luật của thị trường, nếu chất lượng của cơ sở giáo dục không đảm bảo mà lại có mức giá quá cao thì các học sinh cũng không “dại” gì mà vào học tại đó”, PSG-TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Điều 65. Giá dịch vụ đào tạo 1. Dịch vụ đào tạo gồm: dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác theo quy định của Pháp luật. Mức thu giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại Điều 105 của Luật Giáo dục. 2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.” Trích dự thảo Luật Giáo dục đại học |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]