Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông nếu không có lộ trình phù hợp rất có thể lặp lại chương trình phân ban trước đây, thí điểm rồi lại xóa, biến học sinh thành “chuột bạch".
Chiều 26/4, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với sự tham gia của trưởng phòng GD&ĐT các quận - huyện, hiệu trưởng các trường THPT...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng thời gian triển khai chương trình mới vào năm 2018-2019 là quá gấp gáp, trong khi giáo viên chưa thể đáp ứng. Nếu không có thời gian thí điểm thì không khéo biến học sinh trở thành lứa “chuột bạch” khi triển khai chương trình.
Lo cho môn tiếng Anh
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có hướng đến nền giáo dục tiên tiến, hội nhập nhưng việc đầu tư cho tiếng Anh còn ít. Điều này thể hiện ở số tiết học và các hoạt động liên quan.
Một vấn đề nữa là nếu đầu tư cho tiếng Anh, bài toán giáo viên giải quyết thế nào để đáp ứng nhu cầu người học? Thực tế, quận Tân Phú hiện mới chỉ có 50% học sinh được học tiếng Anh dù đây là quận khá phát triển của TP.HCM.
Ông Hiếu cho rằng hiện nay, việc giữ chân giáo viên tiếng Anh tiểu học tại TP.HCM rất khó. Đã có giáo viên nghỉ việc do quy định của Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải dạy đủ 23 tiết/tuần như các môn khác. Từ quy định này, sở đã phải kiến nghị UBND TP tìm biện pháp hỗ trợ, đồng thời động viên các trường nỗ lực giữ chân giáo viên tiếng Anh.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Người Lao Động. |
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, nêu băn khoăn của các giáo viên hiện nay: Ở bậc tiểu học, thời lượng tiết học khối lớp một và 2 từ 30-35 phút, còn khối lớp 3, 4, 5 là 35-40 phút. Sự chênh lệch tiết học như vậy chưa phù hợp, các trường sẽ phải đánh trống chuyển tiết học như thế nào?
Ông Thanh đề xuất cần có lộ trình thực hiện phù hợp, nếu không sẽ lặp lại như chương trình phân ban trước đây - thí điểm rồi lại xóa, biến học sinh thành “chuột bạch”.
“Hiện nay, sách giáo khoa còn chưa ra mà năm 2018-2019 đã triển khai đại trà thì rất gấp gáp, thời gian nào để thí điểm?”, ông Thanh băn khoăn.
Chồng chéo, chắp vá
Đa số ý kiến tại hội thảo cho rằng dự thảo chương trình đã ý thức được tầm quan trọng của việc giúp học sinh định hướng, phát triển bản thân, đẩy mạnh hướng nghiệp. Tuy nhiên, số lượng môn học còn khá nhiều, cấp THCS và tiểu học chưa cụ thể trong việc chọn môn so với cấp THPT.
Chương trình mới vẫn còn khá mơ hồ và các môn học có sự chồng chéo so với thực tế. Chẳng hạn, kế hoạch giáo dục có giai đoạn giáo dục cơ bản, trong đó các môn học đã có ở cấp tiểu học.
Môn học cuộc sống quanh ta có sự trùng lặp: Lâu nay, hoạt động sáng tạo được lồng ghép vào các bộ môn, giáo viên dễ đưa bài học vào thực tiễn, giúp học sinh dễ dàng vận dụng; còn bây giờ trở thành môn tách rời ra thì thực hiện như thế nào?
Theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, điều quan trọng nhất để quyết định thành công của chương trình chính là nguồn nhân lực. Trong sự thay đổi này, giáo viên chiếm vị trí rất quan trọng, trong đó có giáo viên đang giảng dạy và đội ngũ sinh viên đang học các ngành sư phạm. Tuy nhiên, ở chương trình này, một số môn chưa đào tạo giáo viên và giáo viên đang dạy cũng chưa được bồi dưỡng.
“Nếu thực hiện trong năm học mới sẽ dẫn tới sự chắp vá, không thể một bộ môn mới mở ra chỉ cần đọc sách rồi dạy như đang dạy môn tin học, giờ chuyển sang dạy công nghệ. Cần phải có sự đầu tư bài bản, còn cứ chuyển đổi giáo viên như vậy thì chưa ổn”, cô Cúc nhìn nhận.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]