Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc cùng Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Hà Nội, ngày 30/5.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban chỉ đạo cho biết hiện nay, công tác biên soạn và chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa đang được chuẩn bị tích cực. Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận và xin ý kiến cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học, các sở GD&ĐT, giáo viên, người dân, học sinh.
Các ý kiến đóng góp đã được trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa học nhằm mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện đại, tiếp cận xu thế quốc tế nhưng vẫn tránh quá tải cho học sinh.
Việc thiết kế các môn học và hoạt động giáo dục đi theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở lớp học trên, chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phân luồng. Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chương trình mới.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, bắt tay ngay vào việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và điều chỉnh phương pháp dạy học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực để giáo viên làm quen.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về công tác biên soạn, các bước chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới . Ảnh: Báo chính phủ. |
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung, lựa chọn và triển khai kế hoạch giáo dục sao cho phù hợp thực tế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề lớn, phức tạp với khối lượng công việc nhiều và liên quan nhiều tổ chức, cá nhân. Trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận, có những quan điểm khác nhau, trái chiều thì phải lắng nghe, chắt lọc để tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội.
"Tinh thần là phải bảo đảm chất lượng là trên hết. Chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn", Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như phương án phân luồng; số môn học tự chọn, bắt buộc; dạy học ngoại ngữ, tin học; phương pháp giáo dục STEM, mức độ tự chủ của các trường, quan điểm đa dạng trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Bộ trưởng GD&ĐT cho biết ngành giáo dục đang hết sức tích cực, nỗ lực cao nhất để có thể triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018-2019 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng là năm học 2019-2020.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]