Cán bộ coi thi nhận đề trước giờ thi - Ảnh: Như Hùng
Thu hết điện thoại, máy tính...
Tập trung tại trụ sở của Bộ GD-ĐT, giáo sư Bình và những thầy cô khác vẫn chưa biết mình sẽ được đưa đi đâu. Địa điểm vẫn được giữ bí mật cho đến phút chót để bảo mật. Lên xe, người của Bộ GD-ĐT mới thông báo điểm đến là một khu nghỉ dưỡng nằm biệt lập với bên ngoài ở huyện Chí Linh, cách Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe. “Tôi tham gia ra đề thi đại học cũng mấy năm rồi - giáo sư Bình kể - Có khi lên xe Bộ GD-ĐT thông báo nơi đoàn sẽ ở, làm đề thi, nhưng cũng có năm xuống xe mới biết được nơi mình sẽ tập trung trong gần một tháng”.
Nhìn từ bên ngoài, “đại bản doanh” làm đề thi đại học chẳng khác lắm một khách sạn đang hoạt động bình thường. Chỉ có điều ở khu vực “cấm” có công an canh giữ phía trước chỗ ra vào. “Xuống xe, việc đầu tiên các công an canh giữ trật tự có mặt ở đó từ trước sẽ thu điện thoại di động của mọi người trước khi vào khu vực làm đề. Mỗi điện thoại được bỏ vào một túi, ghi tên từng người và tắt nguồn hết” - giáo sư Bình nhớ lại.
Vào khu vực làm đề thi, PGS.TS Lê Văn Hiếu (Trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM) mang theo máy tính cầm tay FX500 để tính toán, làm đề thi vật lý thì bị giữ lại không cho mang vào. Ông Hiếu nhớ lại “tình huống” này: “Mình mang theo máy tính FX500 nhưng bị giữ lại vì sợ gắn chip. Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ máy tính và chỉ được sử dụng máy tính đó. Công tác bảo mật tại khu vực làm đề thi được Bộ GD-ĐT làm rất tốt.
Ngoài việc cắt Internet, để cắt liên lạc của người làm đề với bên ngoài, khu vực ra đề thi cũng bị phá sóng. “Chỗ tập thể dục trên sân thượng của khách sạn trong khu vực làm đề thi cũng gắn lưới kẽm mắt cáo để ngăn sóng điện từ” - thầy Hiếu kể thêm.
“Đây là quy định”
Phòng ở trong khu vực ra đề thi đại học cũng bình thường như phòng khách sạn. Trong phòng có trà, bánh và một tivi để giáo viên “giao tiếp” với bên ngoài. Về câu chuyện cái tivi, bạn đọc sẽ còn gặp lại trong những kỳ sau khi cùng giáo viên ngóng tin từ các hội đồng thi, dư luận về đề thi mình vừa mới làm. Có thể khi ở nhà, những bản tin trên tivi không được để ý đến. Nhưng trong điều kiện hạn chế tối đa giao tiếp với bên ngoài, vắt kiệt tâm sức để làm một đề thi tốt nhất thì những bản tin thời sự, diễn biến về kỳ thi qua tivi luôn để lại cho giáo viên nhiều cảm xúc.
“Internet bị cắt hết. Tuyệt đối không liên quan gì đến máy tính nối mạng. Khu vực này chỉ trang bị máy tính để bàn không nối mạng phục vụ công tác làm đề. Bút viết, giấy tờ, sách tham khảo phục vụ công việc làm đề cũng được chuẩn bị sẵn. Mình có yêu cầu gì nói với... công an. Từ việc đề xuất khẩu phần ăn đến việc người đưa khăn tắm, xà phòng cho mình cũng có công an giám sát. Quy trình rất chặt chẽ. Đảm bảo tuyệt đối không lọt thông tin ra ngoài” - giáo sư Bình kể.
Trong khu vực làm đề thi có một phòng ăn chung mà mọi người sẽ tập trung ăn ở đó vào buổi sáng, trưa, chiều và tối. Ở nhà ăn này, bếp chuẩn bị hai hũ dưa chua cà pháo rất to để phục vụ thêm khẩu vị cho nhiều người. Và những “vị khách” từ miền Nam, miền Trung cũng dần quen với những bữa cơm có chén đậu phộng (lạc) rang thường thấy trong bữa cơm của người miền Bắc. Những giáo viên làm công tác ra đề thi đều cảm nhận công tác hậu cần, chăm sóc bữa ăn, dinh dưỡng cho người ra đề được chuẩn bị rất tốt.
Ở những khách sạn thông thường có người dọn phòng hằng ngày. Tuy nhiên, phòng ở trong khu vực ra đề thi hôm nào muốn giặt chăn, drap cán bộ làm đề thi phải tự mang đến nơi quy định. Sau đó, nhân viên khách sạn sẽ đến lấy, giặt xong rồi để lại chỗ ấy để cán bộ lấy mang về phòng sử dụng. PGS.TS Trịnh Đình Tùng - khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người từng tham gia ra đề thi đại học - cho biết khu vực ra đề thi đại học năm ông tham gia ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Thầy Tùng kể: “Trong khu vực này nơi ở của các giáo viên riêng và nơi làm đề riêng. Buổi sáng các giáo viên từ phòng ở đến khu vực làm đề. Trong phòng không có giấy viết và theo quy định không được đem về phòng. Sau khi trở về phòng ở thì các phòng làm đề của các môn được niêm phong lại đến sáng hôm sau lại mở ra”.
Một phó giáo sư Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) miêu tả khu nghỉ dưỡng ở Tam Đảo rộng mênh mông như một hòn đảo lớn xung quanh toàn hồ, được căng dây cách ly với bên ngoài. “Vượt qua dây đó có người nhắc nhở liền. Thể dục buổi sáng, chạy ra ngoài sợi dây chút xíu có người đến nhắc nhở: không được thầy ơi, đây là quy định rồi”.
Khi đã ổn định chỗ ăn ở, các giáo viên bước vào công việc quan trọng nhất: làm đề.
Khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội), nơi trước đây từng được Bộ GD-ĐT chọn làm địa điểm ra đề thi đại học, cao đẳng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Cách ly với môi trường bên ngoài
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nơi làm đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy chữa cháy... Người làm việc trong khu vực làm đề thi phải đeo phù hiệu riêng và chỉ hoạt động trong khu vực cho phép. Cũng theo quy định này, tất cả mọi người tham gia làm đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác... Các bộ tham gia biên soạn, phản biện đề thi và những người phục vụ ban đề thi tại nơi làm đề thi chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi đã thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.
Giáo viên ra đề thi đại học kể những nơi từng được chọn làm nơi ra đề ở Hà Nội là các khách sạn Khăn Quàng Đỏ, Tây Hồ, Thắng Lợi... Cũng có năm Bộ GD-ĐT tổ chức ở những tỉnh thành khác như nhà khách Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), khu nghỉ dưỡng ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một khách sạn ở Đồ Sơn (Thanh Hóa) và cả ở Lào Cai để làm đề thi. Và để bảo mật, người làm đề thi không được biết trước nơi mình sẽ làm đề.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]