Đã từng bị xua đuổi khi vận động trẻ khuyết tật đi học
Bà Hồ Hương Nam là người gốc Huế, sau nhiều năm bôn ba dạy học, bà theo chồng ra Hà Nội làm giáo viên tiểu học. Năm 1979, bà Nam nghỉ hưu và tham gia làm cộng tác viên dân số ở phường Yên Phụ. Trong quá trình công tác, tiếp xúc với những trẻ em khuyết tật, bà ấp ủ ý định mở một lớp học tình thương.
Năm 1997, lớp học tình thương chính thức ra đời. Lúc đầu, nhiều gia đình xua đuổi, nghi ngờ khi thấy bà vận động những gia đình có trẻ khuyết tật cho con đi học. Thế nhưng, trời không phụ lòng người, sau khi kiên trì thuyết phục, bà cũng có những học sinh đầu tiên.
Đầu tiên, lớp chỉ có 2 cháu, bà mượn địa điểm nhà văn hóa để làm lớp. Sau một tháng dạy thử, tâm tính các cháu thay đổi, các gia đình tin tưởng nên cho theo học lâu dài. Năm 2002, cô hiệu trường trường THCS An Dương đã bố trí một phòng học rộng khoảng 12 m2 cho bà Nam làm chỗ dạy học.
Từ đó đến nay, lớp học tình thương được duy trì. Được biết, lớp học có 18 cháu, trong đó 12 cháu sống trên địa bàn phường, 6 cháu ở các phường khác. Có cháu nhà tận Cổ Nhuế khi nghe tiếng bà Nam, phụ huynh cũng cho con đến học lớp tình thương của bà.
Sau gần 17 năm mở lớp tình thương, bà giáo Hồ Hương Nam đã dạy cho khoảng 30 cháu, nhiều em từ chỗ không biết chữ đã biết đọc, biết viết, tìm được việc làm, lập gia đình.
Một góc lớp học tình thương của bà giáo già Hồ Hương Nam.
Bà Nam tâm sự: “Tôi dạy 25 năm tiểu học và 17 năm các cháu khuyết tật, tôi thấy các cháu khuyết tật sống tình cảm hơn, quấn quýt mình hơn. Các cháu khuyết tật nó chỉ muốn học để kiếm cái chữ, xóa mù chữ. Dạy chúng mất rất nhiều công sức và thời gian, nhưng có thể thấy chúng tiến bộ một cách rõ ràng".
Với sự hy sinh thầm lặng của mình, bà Hồ Hương Nam trở thành 1 trong 10 gương mặt được UBND thành phố Hà Nội biểu dương và tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 tại lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô 10/10.
Lớp học tình thương và những điều đặc biệt
Ở ngôi trường An Dương, mọi người nhắc tới bà giáo Hương Nam với một niềm tin và sự tự hào. Dù đã già, nhưng bà Nam vẫn lém lỉnh, khỏe mạnh và đầy tinh anh.
Lớp học của bà giản dị, được trang trí những hình vẽ đơn sơ, ngộ nghĩnh nhưng ấm áp tình thương của một bà giáo già dành cho những mảnh đời kém may mắn. Đây là một lớp học không bảng, không phấn. Đặc biệt, trên chiếc bàn của bà Hồ Hương Nam luôn có một chiếc đài cũ.
Bà Nam cho biết: “Cái đài này có 2 mục đích. Nó không chỉ giúp các cháu quên đi mệt mỏi mà còn có công dụng chữa bệnh. Với những cháu bị tự kỷ hay bị thiểu năng, chúng nghe đài thích lắm”.
Chia quà cho các cháu học sinh trong ngày thứ 6 hàng tuần.
Thông thường, lớp học kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Không chỉ dạy các cháu viết chữ, đánh vần, bà còn rèn luyện sức khỏe cho các cháu bằng những bài thể dục đơn giản. Theo lệ, cứ trước khi tan lớp, bà cùng những học sinh trong lớp còn đồng thanh hát vang bài ca về bác Hồ Chí Minh.
Để động viên tinh thần học tập của học sinh trong lớp, vào thứ 6 hàng tuần, bà Nam thường có quà cho các cháu trước khi về nghỉ hai ngày cuối tuần, khi cái bánh mỳ, lúc gói bim bim. Món quà tuy nhỏ, nhưng các em rất háo hức khi nhận chúng.
Những bông hoa tặng cô tích từ tiền ăn sáng
Kể về những kỷ niệm với lớp học tình thương và những học trò đặc biệt, mắt bà giáo già Hồ Hương Nam ánh lên niềm hạnh phúc. Bà kể về chúng như thể suốt cuộc đời dạy học của bà đều gắn với chúng vậy.
“Cái ngày tôi bị tai nạn và gãy tay khi đi bộ thể dục trên đường Thanh Niên, có một cháu chiều nào cũng đến, ngồi cạnh giường, vỗ vỗ lưng tôi và nói: "Bà ơi, bà bị thế này bà có chết không", tôi hỏi: "Vì sao lại nói vậy"?, cháu nó bảo: "Cháu thấy bà không đi lại được, sợ bà chết”"– bà Nam rưng rưng kể lại.
Trước khi tan lớp, các học sinh đứng lên nghiêm trang chào bà giáo già.
“Có một lần trong ngày 20/11, tôi đến lớp, các cháu khuyết tật bảo hôm nay là ngày của bà, mỗi cháu cầm một bông hoa, ùa lên bục giảng tặng tôi. Tôi bảo các cháu ngồi xuống rồi hỏi "hoa này là hoa ở đâu?", chúng bảo tự chúng dành tiền ăn sáng để mua hoa tặng cho tôi” – tôi vô cùng cảm động.
Đến với lớp học tình thương, nhìn những ánh mắt ngơ ngác, những nụ cười không trọn vẹn của tụi nhỏ, ai cũng đau đáu lòng nhưng thâm tâm mọi người đều hiểu rằng, tấm lòng nhân hậu của bà giáo Hồ Hương Nam đã “viết” nên câu chuyện tươi đẹp cho biết bao cuộc đời những đứa trẻ khuyết tật nơi đây.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]