Mùa hè là thời gian vui chơi của trẻ, vì vậy không ít cha mẹ đã cho con đi du lịch hay về quê để tránh xa thành phố, giảm áp lực học tập. Tuy nhiên, nhiều trẻ em trong khi vui chơi gặp tai nạn bị ong đốt. Loài ong, nhất là ong vò vẽ, đốt nhiều mũi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời và phù hợp.
Triệu chứng và hậu quả nghiêm trọng
Theo bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, khi trẻ bị ong đốt sẽ thấy đau nhói tại chỗ, sau vài phút chuyển thành đau rát bỏng, nốt ong châm ở giữa hoại tử trắng, xung quanh viền đỏ và phù thường hết sau vài giờ.
Trẻ bị ong đốt có thể mang đến hậu quả khó lường
Nhiều trường hợp có thể bị sẩn ngứa, mề đay, cảm giác nóng ran trong vòng vài giờ sau đốt, nốt sần trên da có khi tồn tại đến 6 tháng. Hoặc bị đỏ da và phù nề quanh vết đốt 10cm, đáp ứng quá mức có thể gây ra phù toàn bộ chi tuy vẫn có thể không có phản ứng toàn thân.
Trẻ bị đốt vào vùng hầu họng gây phù nề, co thắt thanh quản hầu họng gây khó thở. Bị đốt vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục màng trước thuỷ tinh thể, viêm mống mắt, áp xe thuỷ tinh thể, thủng nhãn cầu, tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ. Các triệu chứng cục bộ nặng nhất vào 48-72 giờ sau khi bị ong đốt và kéo dài hàng tuần.
Trong trường hợp khẩn cấp, ong đốt có thể gây ra phản ứng nhiễm độc, hoại tử gan, suy thận… Nặng hơn có thể sốc phản vệ dẫn tới tử vong nhanh chóng trong vòng 10 phút tới vài giờ.
Cách sơ cứu kịp thời
Theo bác sĩ Nguyễn Võ Hinh trả lời trên trang Sức khỏe Đời sống, khi bị ong đốt dù bất cứ loại ong gì cần phải sơ cứu ban đầu bằng cách loại bỏ ong, loại bỏ ngòi nọc với phương pháp dùng móng tay hoặc dùng nhíp. Rửa vết đốt bằng xà phòng và nước sạch hoặc khử trùng vết đốt bằng cồn 70 độ nếu có điều kiện. Băng phủ nhẹ vết đốt bằng băng gạc sạch để bảo vệ và giữ sạch vết đốt.
Ngay sau khi bị ong đốt phải gắp ngòi ong ra khỏi chỗ đốt
Có thể chườm lạnh vùng bị ong đốt để giảm đau và giảm phù nề. Chú ý việc tháo nhẫn, vòng đeo tay ở phần tay bị đốt để tránh chèn ép mạch máu khi có tình trạng phù nề xảy ra. Sau đó, theo dõi phát hiện các dấu hiệu bị dị ứng, nhiễm độc để kịp thời gọi nhân viên y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất nhằm kịp thời xử trí.
Trong quá trình theo dõi sau khi bị ong đốt, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế đối với các trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng tại chỗ hoặc toàn thân, có vết đốt sưng nề nhiều và lan rộng, bị ong đốt nhiều chỗ với trên 10 vết đốt, có dấu hiệu bị nhiễm độc hoặc có biểu hiện bệnh lý toàn thân.
Biện pháp phòng tránh ong đốt có hiệu quả nhất là người lớn phải hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong, tổ ong và những nguy hiểm khi bị ong đốt, đặc biệt là có dấu hiệu triệu chứng rất đau khi bị đốt. Cần căn dặn trẻ không được trêu chọc tổ ong khi phát hiện và không được tự ý vào tổ ong để lấy mật.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]