Có thể thấy các mẹ trẻ Việt nuôi con rất vất vả và mệt mỏi, trong khi đó các mẹ Mỹ thì lại nhàn nhã hơn bởi họ có 1 phương pháp dạy con rất khoa học ngay từ nhỏ, đáng để cho chúng ta phải học hỏi.
Cách cho con ăn
Sinh con và nuôi con là bổn phận và trách nhiệm của những người làm mẹ. Có những người nuôi con rất vất vả, phải thức trắng đêm để trông con, dỗ dành con ăn từng miếng bột,… Nhưng lại có những mẹ nuôi con nhàn nhã, không mệt mỏi. Một phần là do tính cách của bé, nhưng quan trọng hơn cả là do cách giáo dục của cha mẹ.
Nhiều cha mẹ ép con ăn khiến bé khóc nức nở. (Nguồn Internet)
Một cảnh tượng có thể thấy trong các gia đình Việt có con nhỏ là đến bữa ăn thì tất cả thành viên trong gia đình đều làm mọi cách để dụ được bé ăn bột, người thì pha trò, người thì cầm bát bột, người thì nói chuyện với bé,…
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Trong khi ở Mỹ, trẻ em từ 8 tháng tuổi đã tập bốc thức ăn và từ bỏ dần việc ăn bột/cháo. Thay vì đút cho con ăn thì các mẹ Mỹ để con tự bốc thức ăn. Đến bữa cơm, mẹ Mỹ sẽ trải 1 tấm khăn nilon ở dưới đất, rồi đặt con vào ghế ngồi ăn của em bé, đeo khăn nilon vào cổ áo cho con, đặt 1 thìa nhựa và bát nhựa trước mặt trẻ. Sau đó, dọn từng món đồ ăn lên bàn ăn của bé và để trẻ tự bốc ăn. Trong quá trình ăn, nếu món nào mà bé không thích thì mẹ sẽ hỏi “Con không muốn ăn à? Không sao”. Nhờ vậy, mẹ sẽ biết được những món mà con yêu thích và sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Ở Mỹ, trẻ em từ 8 tháng tuổi đã tập bốc thức ăn và từ bỏ dần việc ăn bột/cháo. (Nguồn Internet)
Với phương pháp “tự cho con ăn” của mẹ Mỹ, Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Kim Thoa, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: “việc cho con tự ăn trước hết sẽ tạo tâm lý thoải mái cho trẻ. Và tâm lý thoải mái giúp trẻ có sức đề kháng tốt, hơn là việc nhồi nhét để bé tăng thêm vài gram. Ngoài ra, khi cho bé tự ăn, có thể dùng tay bốc (đã được rửa sạch tay trước đó), con sẽ tự mình khám phá từng món ăn và thích ăn hơn. Nhiều bà mẹ lo ngại bé sẽ quen ăn bốc - hành động được nhiều người coi là không được lịch sự. Nhưng thực tế, khi còn nhỏ, bàn tay còn yếu, trẻ chưa thể sử dụng thành thạo thìa, đũa thì bé mới dùng tay, còn sau đó, thấy mọi người xung quanh xúc thìa, gắp đũa, trẻ sẽ bắt chước và làm theo”.
Cách cho con ăn này nhìn qua có vẻ dễ dàng đơn giản và người mẹ dường như nhàn hơn, nhưng ban đầu, người mẹ phải vất vả và tìm tòi: nấu món gì để con có thể bốc ăn, kiên nhẫn đợi con ăn mà không thúc giục, chấp nhận con làm rơi, vương bẩn, và sẵn sàng dọn dẹp bãi chiến trường sau bữa ăn.
Khi cho bé tự ăn, có thể dùng tay bốc (đã được rửa sạch tay trước đó), con sẽ tự mình khám phá từng món ăn và thích ăn hơn. (Nguồn Internet)
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho rằng, luyện cho trẻ tự ăn và tôn trọng sở thích ăn uống của con là điều cần khuyến khích, và hầu như chúng ta đều biết là tốt cho trẻ, nhưng lại không mấy người làm được. Ở Việt Nam, những trẻ 4-5 tuổi, thậm chí hơn, vẫn được bố mẹ, ông bà xúc cho ăn là chuyện thường gặp. Và "vấn nạn" trẻ lười ăn, biếng ăn gặp ở rất nhiều gia đình.
Có thể thấy, cách cho con ăn của người Mỹ rèn cho con tính độc lập, tự giác cao và việc trẻ chủ động trong ăn uống cũng liên quan đến khả năng sáng tạo của con sau này.
Cách rèn con tự ngủ
Ở Mỹ, các ông bố bà mẹ đều biết đến phương pháp “slepp training” (luyện cho con ngủ ngoan). Các mẹ Mỹ thường rèn cho con một thói quen 3B ( bottle, bath, bed) nghĩa là (uống sữa, tắm, đi ngủ). Cứ mỗi tối, khi được 3 tháng tuổi các bé sẽ được uống sữa, đi tắm rồi mặc quần áo ấm và sẵn sàng chuẩn bị lên giường đi ngủ. Để rèn thói quen “tự ngủ” cho bé đòi hỏi cha mẹ phải có sự kiên trì, nhẫn nại và bản lĩnh mạnh mẽ. Dần dần, bé sẽ hình thành được thói quen tự ngủ, lúc đấy bố mẹ sẽ không phải vất vả và có thêm nhiều thời gian để làm các công việc khác.
Ở Mỹ, các ông bố bà mẹ đều biết đến phương pháp “slepp training” (luyện cho con ngủ ngoan). (Nguồn Internet)
Nhà tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Rồng Việt (Vũng Tàu) cho biết, phương pháp rèn con tự ngủ tốt cho cả trẻ lẫn bố mẹ. Trẻ ngủ theo nề nếp, ngủ thẳng đêm, còn phụ huynh không quá vất vả, mất thời gian và giấc ngủ để ru, dỗ con.
Ông ủng hộ quan điểm "không gieo thói quen xấu cho con" khi bé ngủ. Nhiều bố mẹ Việt Nam hay tạo cho con các thói quen như trẻ phải được nằm võng, bế đu đưa, ngậm ti bình... mới ngủ, rồi lỡ thức giấc thì lại cần được ru dỗ, bế dậy, cho uống sữa... để ngủ lại. Thực tế, đây là các nhu cầu không cần thiết, do chính bố mẹ tạo ra. Nhiều người nghĩ làm vậy mới chứng tỏ mình thương con. Một số bà mẹ hiện đại biết không nên như thế, nhưng nếu khóc không dỗ con ngay lại có thể bị chồng, bố mẹ chồng trách móc là không thương hoặc không biết chăm con, nên tiếp tục làm theo lối cũ.
Khi con hình thành được thói quen tự ngủ, các mẹ sẽ đỡ vất vả hơn. (Nguồn Internet)
Bên cạnh đó, ông cho rằng “"Mỗi cách giáo dục có một giá trị riêng, không có cái nào là đúng hay sai. Trẻ Tây có thể lớn lên độc lập, thoát ly gia đình, và bố mẹ chúng khó khăn nối kết với con cái. Trẻ ta đôi khi được bố mẹ chăm sóc quá mức thành phụ thuộc. Thực tế, trong cách dạy dỗ trẻ tốt nhất nên có sự hài hòa, vừa phát triển cá nhân nhưng vẫn gắn kết với gia đình”.
Đồng thời, ông nhấn mạnh “ dù muốn giáo dục con theo phương pháp nào thì đều phải cân nhắc xem có phù hợp với bối cảnh xã hội hay điều kiện gia đình không, và quan trọng nhất, cần có sự trao đổi giữa mọi người trong nhà ngay từ đầu để thống nhất cách thực hiện, như vậy mới có hiệu quả”.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]