Việc trẻ em thiếu ngủ đến từ nhiều lý do (sinh lý thay đổi ở tuổi dậy thì, thói quen, sức ép của thành tích học tập…). Trong khi đó, các chuyên gia của AAP khẳng định, để phát triển đúng mức về cả thể lực lẫn trí tuệ, một HS trung học mỗi đêm cần có giấc ngủ từ 8,5 đến 9,5 giờ. Tuy nhiên, chỉ 20% HS ở tuổi teen có được giấc ngủ như thế trong khi 45% ngủ ít hơn bảy giờ mỗi đêm.
Khi học cao hơn một lớp, thời gian ngủ của học sinh lại ít hơn - Ảnh: Internet
“Cứ mỗi năm, khi học cao hơn một lớp thì thời gian ngủ của HS lại càng ít hơn”, tiến sĩ Judith Owens, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe trẻ em của Trung tâm quốc gia nghiên cứu y khoa Mỹ, thừa nhận. Theo bà Owens, vào năm cuối cấp trung học, mỗi đêm trẻ ngủ không đến bảy giờ. Việc thiếu ngủ ở trẻ em tuổi teen được xem như khởi đầu “một cuộc khủng hoảng của ngành y tế quốc gia” - bà Owens nhận định.
Không thể coi thường giấc ngủ ở tuổi teen bởi thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều hệ quả tai hại cho trẻ em về sau, như mắc các bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường type II.
Một cuộc khảo sát tại các trường ở bang Minnesota cho thấy, tại các trường bắt đầu giờ học lúc 7g30, có đến 30% HS thừa nhận mình đã ngủ gục trong lớp ít nhất một lần mỗi tuần. Cũng cuộc khảo sát này cho thấy, những HS ngủ không đủ thời gian cần thiết thường có biểu hiện của sự hung bạo và triệu chứng rõ rệt của việc bất ổn tinh thần hoặc trầm cảm.
Lùi giờ học muộn hơn chỉ là một cách để học sinh có điều kiện ngủ đầy đủ hơn
Ngược lại, trong hơn 1.000 trường ở bang Minnesota áp dụng việc bắt đầu muộn hơn giờ học sáng, cả giáo viên, HS lẫn phụ huynh đều nhận ra nhiều lợi ích. Bà Kyla Wahlstrom, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục của Đại học Minnesota, cho biết: “Tại các trường có giờ học bắt đầu muộn hơn đã giảm hẳn tình trạng học kém, HS chú ý vào bài giảng hơn, tỷ lệ nghỉ học giảm hẳn, cũng như HS biết tổ chức việc học và giờ giấc hợp lý hơn”.
Tuy nhiên, theo bà Owens, lùi lại giờ học là cần thiết nhưng đó không phải là cách duy nhất để giúp trẻ em tuổi mới lớn có được giấc ngủ đầy đủ. Nhiều việc khác ảnh hưởng đến thời gian ngủ như bài tập về nhà, việc làm thêm sau giờ học, vui chơi cùng bạn bè và các phương tiện giải trí.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]