Vệ sinh, chăm sóc tai cho bé như nào?
Khi vệ sinh tai cho trẻ chỉ dùng những loại tăm bông nhỏ, thấm nước muối sinh lý (có bán sẵn tại nhà thuốc) để lau sạch vành tai, các ngách trong vành tai…
Ráy tai thường khô và tự rơi ra ngoài mà không cần phải lấy. Nếu bé có ráy tai quá nhiều, cứng gây bít ống tai, ù tai, làm giảm thính lực thì có thể dùng loại nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai để ráy tai mềm và dễ dàng lấy ra. Không nên dùng tăm bông sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong, rất khó lấy, cũng không dùng bất kỳ vật nhọn nào để ngoáy tai cho trẻ.
Khi tắm bé, bố mẹ cần lưu ý dùng khăn xô mềm lau nhẹ nhàng cả mặt trước và mặt sau vành tai bé, nhưng hết sức lưu ý tránh để nước vào. Áp dụng cách sau: áp chặt các ngón tay của mình vào vành tai trẻ, sao cho các ngón tay này giữ chặt lỗ tai. Người còn lại có thể lấy khăn lau và dội nhẹ nhàng trong khi tắm mà không lo sợ nước vào vành tai.
Đôi khi có thể xảy ra sự cố nước vào tai. Khi đó bạn cần bình tĩnh cho trẻ nghiêng về phía tai có nước, sao cho nước có thể chảy ra. Điều này dễ thực hiện vì ống tai trẻ em khá thẳng. Bà mẹ chỉ việc đặt đầu của một chiếc khăn xô mỏng vào cửa lỗ tai, vị trí thấp nhất là nước có thể chảy ra dễ dàng.
Nếu thực hiện theo cách trên không hiệu quả, cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và lấy ráy tai.
Những lưu ý khi chăm sóc tai cho trẻ
Không nên cho trẻ nghe những âm thanh có cường độ lớn trong thời gian dài như: tiếng nhạc mở lớn, âm thanh trò chơi điện tử, tai nghe nhạc, điện thoại… Ngưỡng nghe bình thường vào khoảng 0-20 dexibels. Nếu trẻ liên tục phải chịu đựng những âm thanh có cường độ lớn trên 30 dexibels và kéo dài trên 8 giờ sẽ làm tổn thương vĩnh viễn thính lực.
Khi đi bơi hoặc tắm biển nên nhét nút bịt tai để tránh nước vào làm ướt tai, tạo thuận lợi cho vi trùng phát triển, dễ dẫn đến viêm tai, ngứa tai. Nếu sau khi tắm bị ướt ống tai thì nên dùng tăm bông có thấm alcool giúp mau bay hơi để lau khô tai cho bé.
Chú ý theo dõi trẻ, vì có những trẻ ngịch ngợm, nhét vật lạ vào tai, mũi. Nếu thấy bé thường than đau tai hoặc phát hiện tai bé có chảy dịch bất thường, hoặc mùi hôi, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị ngay.
Trường hợp nhận thấy con chậm biết nói (lẽ ra ở lứa tuổi đó trẻ đã nói được nhiều), hoặc trẻ lớn mà việc nghe có vẻ nghễng ngãng, phụ huynh cũng nên cho trẻ đi khám tai, đo thính lực.
Lưu ý: Phải kiểm tra thính lực sau khi bé mắc những bệnh như: sởi, quai bị, thủy đậu, sốt cao vì đó có thể là những nguyên nhân làm giảm thính lực sau này của trẻ.
Theo V.H (Tổng hợp) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]