Câu chuyện về bé Tuệ Nhi – một bé gái hơn 15 tháng tuổi "đi chưa vững đã biết đọc chữ" khiến ai cũng ngạc nhiên. Khả năng đặc biệt của bé là do thiên bẩm hay dưới tác nhân nào khác?
Trò chuyện lâu hơn với mẹ bé – chị Vũ Phương Thảo về quá trình phát triển của Tuệ Nhi, các bí mật dần được hé mở. Ngược dòng thời gian, chị Thảo nhớ lại thời điểm trước khi Tuệ Nhi chào đời.
Mẹ đọc và tự tổng hợp kinh nghiệm
Ngày đó được chị Thảo gọi là một ngày “may mắn” khi tình cờ được cầm trên tay cuốn sách Em phải đến Havard học kinh tế của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ. Cuốn sách là phương pháp giáo dục con của mẹ Vệ Hoa và ba Hán Vũ với bé Lưu Diệc Đình – một bé gái thông minh, ngay từ nhỏ đã nhận thức thế giới xung quanh tốt. Đến năm 18 tuổi, Diệc Đình được học bổng vào trường Havard. Trong cuốn sách này, mẹ Vệ Hoa có nhắc đến cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”.
Chị Phương Thảo thực hiện phương pháp giáo dục con sớm ngay từ khi còn mang bầu bé Tuệ Nhi. Ảnh Hồng Nhung
Chị Thảo lại tiếp tục tìm kiếm trên mạng, tại các hiệu sách thông tin cuốn sách này. Rồi sách nọ nối sách kia, chị vừa đọc vừa tìm hiểu thêm tài liệu trên diễn đàn, trên một số website đã đưa chị đến với phương pháp giáo dục sớm, phương pháp thai giáo.
Qua đó, chị cũng thấy người ta nói đến những mặt lợi và hại của phương pháp giáo dục sớm. Có người nói rằng khi bé biết chữ rồi, đến lúc đi học sẽ không thích học nữa, bé chỉ đọc như một con vẹt mà không hiểu ý nghĩa của từ đó là gì, đọc cay mà không biết thế nào là cay, đọc lạnh mà không biết thế nào là lạnh...
Ngay cả bố chị - một giáo viên đã nghỉ hưu cũng cảm thấy lo lắng vì ông bảo chưa thấy ai làm thế bao giờ cả, chưa biết có tác dụng phụ không.
Giống như nhiều người làm cha làm mẹ, vợ chồng chị Thảo chỉ hy vọng con cái sinh ra và lớn lên được khỏe mạnh. Khi quyết định theo phương pháp giáo dục sớm, anh chị có hy vọng sau này con sẽ thông minh chứ không đặt quá nhiều áp lực vào việc này.
Do đó, bên cạnh việc đọc sách, tham khảo kinh nghiệm các mẹ đi trước, chị Thảo căn cứ vào tình hình thực tế của con để thực hiện. Tuy nhiên, bản thân vợ chồng chị cũng không biết được đến thời điểm nào con có thể làm được.
Dành thời gian tương tác cùng con
Ngay khi mang bầu Tuệ Nhi, chị thực hiện luôn phương pháp thai giáo. Hàng ngày, chị cho bé nghe nhạc cổ điển, sử dụng chiếu sáng, tiếp xúc qua da, vỗ về bé từ bên ngoài.
Chồng là một thủy thủ biển, vẫn thường công tác xa nhà. Do ở một mình nên chị thường trò chuyện với con, cứ có chuyện vui là chị lại tâm sự cùng con. Không những thế, chị còn dành thời gian kể chuyện, đọc thơ cho con nghe. Cứ thế kiên trì tạo sự tương tác, giao lưu giữa hai mẹ con cho đến khi Tuệ Nhi chào đời.
Mong muốn của chị không chỉ dạy con biết mặt chữ mà còn dạy con nhận biết thế giới xung quanh bằng đa giác quan. Khi chị cho bé nhìn chữ và đọc cho bé nghe, cùng thời điểm đó chị cố gắng có thể nhất cho bé tiếp xúc được bằng xúc giác, thính giác... để hiểu được nghĩa. Chẳng hạn với từ lạnh, chị lấy một viên đá nhỏ đặt vào bàn tay bé và nói đây là lạnh. Nghĩa là bé vừa hiểu được nghĩa của từ lại được đọc được luôn, có sự tương tác cho bé được thực hành luôn...
Chị Thảo mua tấm bảng nhỏ để viết chữ mới khi cần dạy con. Ảnh Hồng Nhung
Chị Thảo nhớ lại có thời điểm trong suốt 2 tháng, chị kiên trì cho con nhìn màu trắng hoặc màu đen, tiếp theo cho con nhận thức đồ vật trong nhà, nhận thức đâu là ông, đâu là bà, đâu là chú, là cô...
Thời điểm Tuệ Nhi được 3 tháng, chị bắt đầu tháo thẻ chữ. Mong muốn được tự tay làm cho con gái thẻ chữ, thẻ số, chị lại hì hịu viết và cắt, dán...
Chị Thảo nhớ lại: “Chị lần lượt cho các bé nhìn các thẻ chữ, thẻ số (dot cards). Thời điểm đó bé chỉ tập trung nhìn thôi chứ chưa hiểu gì. Chị không thấy con có phản ứng gì nên cũng không biết con có biết được không”.
Mỗi ngày, chị cố gắng dành cho con đều đặn 15 phút buổi tối (bởi chị đi làm cả ngày chiều tối mới về) để cùng bé đọc chữ. Có thời gian, chị lại đưa bé đi dạo quanh nhà, qua công viên cho bé xem và chỉ cho bé biết về thế giới xung quanh, vừa kết hợp cho bé học thực tế luôn.
Những bức tranh nổi tiếng, tranh dân gian, hình trò chơi dân gian... được chị Thảo dán quanh giường bé ngủ.
Thời điểm Tuệ Nhi được 7 tháng, bé có khả năng nhận biết các chữ. Theo chị Thảo chia sẻ thì các chữ này trước đây chị từng cho bé xem rồi, có trong thẻ dot cards. Khi chị giơ hai tấm thẻ lên, chẳng hạn 1 và 3, hỏi con đâu là số 1 con đều chỉ được, mặc dù lúc đó con chưa biết nói. Khi con 10 tháng tuổi, con mới bắt đầu biết nói.
Khi bắt đầu bước vào tháng thứ 12, bé bắt đầu đọc chữ. Những chữ bé đọc được đều là những chữ mẹ đã giơ lên cho con nhìn, những chữ quen thuộc đã biết.
Khi con kết thúc tháng 13 cũng là lúc con biết đọc 169 từ. Đến một ngày, mẹ “ngạc nhiên” khi chưa kịp dạy con các chữ mới mà con lại có khả năng đọc được. Và mẹ bắt đầu theo dõi con trong 15 ngày. Hầu như mẹ không phải dạy con chữ mới, chỉ những chữ nào quá khó mẹ mới phải hướng dẫn con.
Chị Thảo cho biết “Mẹ không dạy bảng chữ cái, vì sợ sau này khi con đi học sẽ có thay đổi, mà chỉ dạy mặt chữ. Mẹ ngạc nhiên khi chỉ dạy một số chữ mà con lại biết tất cả các chữ, dường như con có khả năng ghép vần, ghép âm”.
Ngoài việc nhận diện mặt chữ, bé Tuệ Nhi còn có thể nhận biết hình ảnh hệ mặt trời, đồng hồ, trò chơi dân gian, môn thể thao, quốc kì các nước, màu sắc, sinh trưởng... Tính đến thời điểm này bé Tuệ Nhi được hơn 15 tháng tuổi và có thể đọc được hết tất cả các chữ.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]