Mấy tháng nghỉ hè, mẹ nên tranh thủ thời gian trẻ được nghỉ ngơi mà xốc lại kế hoạch dạy con làm việc nhà. Dưới đây là những bí quyết giúp bé trở thành tay chân đắc lực của mẹ khi tham gia vào công việc hằng ngày ở nhà.
Ngày nay, rất nhiều gia đình chỉ có 1 con, công việc trong nhà cũng đơn giản, lại có sự trợ giúp của giúp việc nên hầu như trẻ em mẫu giáo thường chưa bao giờ phải làm việc nhà. Tuy nhiên, ở nước ngoài, hầu hết các gia đình đều sống riêng, tự lập, cha mẹ không dựa dẫm ông bà, con cái không dựa dẫm cha mẹ, giúp việc không có, hầu hết trẻ em đều phải tự làm việc nhà từ khi còn rất nhỏ.
Cho trẻ làm việc nhà, đối với phụ huynh phương Tây, không chỉ là một cách giảm bớt gánh nặng công việc trong gia đình mà đơn giản hơn, trẻ biết làm việc nhà sẽ học được rất nhiều thứ.
Việc nhà trở thành trò chơi
Bạn nên tạo một không khí vui vẻ và hào hứng cho trẻ. Bởi việc ép buộc không bao giờ thu hút sự hứng thú của trẻ. Hãy để bé tham gia vào các trò chơi dọn dẹp mà mẹ tự nghĩ ra để tạo thêm nhiều phấn khích cho trẻ.
Bạn có thể biến việc dọn dẹp nhà cửa trở thành một trò chơi như truy tìm kho báu. Bạn dấu những chỉ dẫn tìm kho báu ở góc nào đó trong phòng mà chỉ khi nào dọn dẹp xong bé mới có thể tìm ra, khi đó “kho báu” sẽ hoàn toàn thuộc về bé. Tâm lý mau chán của trẻ con sẽ được dẹp tan khi mẹ thay đổi các công việc hàng ngày để luôn có sự đổi mới và tạo hứng khởi mới cho bé.
Dụ dỗ con bằng chiêu này sẽ tạo thêm niềm vui cho bé trong những lần dọn dẹp tiếp theo và sẽ không khó khăn khi trẻ hiểu được một bài học đơn giản “trẻ sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp sau những nỗ lực làm việc chăm chỉ”
Khuyến khích và khen thưởng kịp thời
Trẻ em luôn thích được khen ngợi và không muốn nghe những lời chê trách phũ phàng. Khi bé làm sai, mẹ đừng vội vàng mắng mỏ bé và không cho bé làm nữa. Thay vào đó hãy hướng dẫn lại bé tỉ mỉ hơn và tin tưởng vào con, để bé làm lại theo cách của mình. Dạy con trẻ cần trước hết là sự kiên nhẫn. Mẹ càng không nên đòi hỏi bé phải đạt hiệu quả hoàn hảo ngay trong lần thử sức đầu tiên. Còn khi bé làm tốt một việc gì, mẹ đừng ngần ngại tặng bé những lời khen, khuyến khích và động viên để bé có thể làm tốt trong những lần tiếp theo nữa nhé.
Hô biến công việc thành thử thách
Trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo bắt đầu hình thành rõ nét hơn tính cách của mình và phần nào muốn chứng tỏ cái tôi cá nhân riêng của từng bé. Nếu mẹ càng nói “công việc này khó lắm, con không làm được đâu, để mẹ làm cho” thì bé lại càng muốn chứng thực không việc gì là mình không làm được. Dựa vào tâm lý đó của trẻ, mẹ hãy lựa chọn những công việc phù hợp với sức lực và độ tuổi của bé, rồi cố tình kích thích “cái tôi” trong bé để bé hào hứng chứng tỏ bản thân, hóa siêu nhân giúp đỡ mẹ một cách năng nổ nhé.
Hô biến việc dọn nhà thành đặc quyền của trẻ
Để trẻ háo hức làm việc nhà mới là thành công (ảnh minh họa)
Trẻ con không bao giờ muốn người lớn coi mình là trẻ con, trẻ con luôn nhìn người lớn để học trở thành người lớn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng các mẹ không nên đối xử với con cái như những đứa trẻ yếu ớt và non nớt, ngược lại cần nói chuyện, tâm sự, chia sẻ mọi việc như một người bạn của bé, có chăng hãy là một người bạn “nhiều kinh nghiệm” hơn mà thôi. Vì thế mẹ hãy để cho con thấy tầm quan trọng của con trong gia đình, cũng như đối với một số công việc nhà phù hợp với bé, mẹ hãy cho bé thấy nếu không có bé làm thì nhà sẽ bừa bộn thế nào. “Ôi, hôm nay cái bàn này mà không có bé Nhi lau hộ mẹ thì đúng là bụi quá, ăn cơm cũng không ngon nữa”, hay “cái gương bàn phấn của mẹ mà không có Tôm lau giúp thì mẹ không thể xinh được rồi”,… Khi con nhận thấy những công việc mình làm được trân trọng và đánh giá cao thì chẳng có lý gì bé không tiếp tục làm những công việc đó.
Hãy tham gia công việc cùng trẻ
Mẹ đừng chỉ đứng nhìn khi con giúp mẹ làm việc. Khi cả hai mẹ con hay cả gia đình cùng hăng say dọn dẹp sẽ tạo thêm niềm vui cho bé, bé sẽ thấy khoảnh khắc lao động cùng cả nhà có ý nghĩa hơn. Khi cả nhà cùng làm việc, mẹ có thể cùng con chơi trò “thi ai nhanh hơn” hay bấm đồng hồ cho con để “vượt qua chính mình” khi so sánh với công việc này của những lần trước. Con sẽ thêm hòa đồng và gắn kết hơn với chính gia đình mình cũng như các công việc xã hội tập thể sau này.
Những công việc nhà phù hợp với độ tuổi của bé
9-24 tháng: Mẹ có thể cung cấp cho trẻ làm một số việc đơn giản, chẳng hạn như để cho bé ném tã bẩn vào thùng rác.
2-3 tuổi: dưới sự chỉ đạo của mẹ, cho trẻ tự ném rác vào thùng rác, hoặc có thể cầm giúp một cái gì đó khi bố mẹ yêu cầu giúp đỡ, giúp mẹ phơi quần áo, sử dụng nhà vệ sinh; đánh răng; làm vườn, ban đêm trước khi đi ngủ biết tự cất dọn đồ chơi
3-4 tuổi: sử dụng nhà vệ sinh thành thạo; rửa tay; đánh răng; dọn giường sau khi ngủ dậy, dọn bát đũa vào bếp sau bữa ăn cho mẹ rửa, gập quần áo cất vào tủ, quần áo bẩn biết tự bỏ vào giỏ đồ bẩn.
4-5 tuổi: không chỉ quen và thành thạo những công việc ngày nhỏ, trẻ cần biết tự dọn bàn ăn, dọn giường. Sáng dậy biết tự mặc quần áo.
5-6 tuổi: Giúp mẹ lau bàn, ghế, quét nhà, lau nhà.
6-7 năm: Biết rửa chén bát không cần cha mẹ hỗ trợ
7-12 tuổi: biết dọn nhà tắm, sử dụng máy giặt, đổ rác.
13 tuổi: biết sử dụng bếp, lò vi sóng, nấu ăn, sửa chữa một số vật dụng nhỏ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]